August 7, 2013

Lý do khiến đàn ông chết sớm hơn phụ nữ

Nhìn chung, tuổi thọ trung bình ở nữ giới cao hơn nam giới khoảng 10 năm. Từ khi sinh ra đến từng giai đoạn của cuộc đời, đàn ông gặp nhiều yếu tố bất lợi hơn phụ nữ. Hãy xem đâu là các nhân tố hay điểm yếu khiến nam giới không sống lâu bằng nữ giới.

Kích thước cơ thể lớn hơn

Người to cao hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn nếu xét về tuổi thọ. Theo một nghiên cứu về đột biến di truyền, đột biến này xuất hiện để giảm sử dụng một loại hormone tăng trưởng của tế bào, và kết quả là những người có kích thước nhỏ hơn nhưng vòng đời lại sống lâu hơn mức trung bình. Điều này không chỉ đúng với con người mà còn đối với hầu hết các loài động vật…

Nhạy cảm hơn với bệnh tật

Phụ nữ nổi trội hơn nam giới xét về mặt tác động sinh học. Cụ thể, so với phụ nữ, tỷ lệ đàn ông tử vong do chấn thương, tự tử, ung thư đường hô hấp, bệnh gan mãn tính và bệnh tim mạch vành cao hơn phụ nữ. Đồng thời, một lý do khiến đàn ông sống không được lâu như phụ nữ là bởi hệ thống miễn dịch. Phụ nữ được sinh ra với telomere (thành phần ở cuối nhiễm sắc thể được coi như một chỉ số của tuổi tế bào) dài hơn, mà về cơ bản với những telomere dài hơn này, các tế bào sản xuất ra hệ thống miễn dịch có thể hoạt động lâu hơn và khỏe mạnh hơn.

Bệnh tim

Lượng hormone estrogen ở phụ nữ giúp họ ngăn ngừa bệnh tim lâu hơn nam giới từ 10 đến 15 năm, Tiến sĩ Larry Santora, bác sĩ tim mạch của St. Joseph Health System ở quận Cam, bang California, Hoa Kỳ cho biết. Estrogen làm tăng cholesterol tốt (HDL) và làm giảm cholesterol xấu (LDL), đồng thời giúp lớp niêm mạc bên trong của động mạch vành linh hoạt hơn, do đó ít bị tổn thương và viêm nhiễm liên quan đến hình thành mảng bám và xơ vữa động mạch. Mặt khác, căng thẳng mãn tính ở nam giới cũng góp phần gây bệnh tim, vì nó gián tiếp tăng huyết áp, cholesterol và insulin, tất cả dẫn đến xơ cứng động mạch, gây nguy hiểm cho tim.

Nhiều thói quen có hại

Hút thuốc, ăn uống và căng thẳng quá mức góp phần làm tăng huyết áp và nguy cơ bệnh tim, rút ngắn tuổi thọ của con người. Độ chênh lệch tuổi thọ giữa nam và nữ liên quan đến nhân tố lối sống này nhiều năm về trước rõ ràng hơn, bởi hiện giờ xu hướng phụ nữ uống rượu và hút thuốc ngày càng tăng. Giáo sư Leslie Martin, chuyên gia y tế công cộng tại Đại học Loma Linda ở Riverside, California, và là đồng tác giả một nghiên cứu về tuổi thọ cũng cho biết, có thể là do mức độ testosterone cao hơn và liều lĩnh hơn mà nam giới có cuộc sống ngắn ngủi hơn.

Tỷ lệ trao đổi chất cao hơn

So với phụ nữ, khối lượng cơ bắp ở nam giới nhiều hơn, vì thế người đàn ông phải mất một số lượng calo lớn hơn để duy trì cơ bắp. Tỷ lệ đốt cháy calo cao hơn cũng có nghĩa là các tế bào gốc cũng bị đốt cháy nhanh hơn. Tế bào gốc đóng vai trò quan trọng vì nó có thể phân chia và biệt hóa thành các loại tế bào chuyên biệt cũng như tự mới bản thân. Quá trình này giống như một chiếc xe đi với tốc độ 90km/h so với 40 km/h, khi bình xăng là hữu hạn thì đi với tốc độ nhanh, người ta sẽ không đi được quãng đường xa.

Nghề nghiệp có độ rủi ro cao

Nghề nghiệp cũng là yếu tố làm giảm tuổi thọ ở đàn ông. Thống kê ở Mỹ năm 2012 cho thấy, 3 ngành nghề nguy hiểm nhất, tức là có tỷ lệ tử vong cao nhất đối với đàn ông Mỹ là phi công, ngư dân và công nhân ngành khai thác gỗ. Tiếp theo là một số ngành có độ rủi ro cao là nông dân, thợ lợp nhà, thợ kết cấu sắt thép, người thu gom nguyên liệu rác và tái chế…

Kết nối xã hội yếu hơn

Phụ nữ có xu hướng kết nối mọi người với tần số tương tác nhiều hơn, điều này có thể làm tăng tuổi thọ cho họ. Chính sự chia sẻ tình cảm, tâm tư qua trò chuyện với người xung quanh khiến cho phụ nữ có đời sống tinh thần thoải mái hơn. Ngược lại, nam giới thường gặp nhiều áp lực hơn nên giữ cảm xúc cho riêng mình, khó chia sẻ những suy tư của họ.

Nguồn: Internet

Tái sinh tai người với máy in 3D

Trung tâm nghiên cứu tế bào gốc đa năng (iPS) Đại học Kyoto và Đại học Tokyo ngày 27/7 cho biết sẽ bắt đầu nghiên cứu tái sinh tai người từ mùa Thu năm nay, theo đó các nhà khoa học sẽ sử dụng máy in 3D để “đổ khuôn” lớp sụn tai vốn có cấu tạo phức tạp trên cơ thể người.



Nghiên cứu này nếu thành công sẽ tạo ra cuộc cách mạng về y học trong đó các cơ quan trên cơ thể con người hoàn toàn có thể được thay thế bởi chính những bản sao của chúng trong tương lai.

Mục tiêu của nghiên cứu là trong vòng 10 năm tới có thể tiến tới cấy ghép tai nhân tạo cho những người có khuyết tật bẩm sinh về tai. Đây là lần đầu tiên trên thế giới các nhà khoa học ứng dụng đồng thời hai công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là iPS và máy in 3D.

Thông thường, bệnh nhân sẽ được cấy ghép tai từ sụn xương lấy từ một vị trí khác trên cơ thể bệnh nhân nhưng một khi kỹ thuật iPS và máy in 3D được đưa vào thực tiến sẽ giúp làm giảm đáng kể chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Nghiên cứu trên nhận được tài trợ của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JSTA) do nhóm các giáo sư Noriyuki Tsumaki, chuyên gia về tế bào iPS của Đại học Kyoto, và Giáo sư Tsuyoshi Takato, chuyên gia về ngoại khoa xương và sụn Đại học Tokyo, phụ trách. Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu sẽ đưa vào nghiên cứu lâm sàng trên đối tượng bệnh nhân mắc chứng “tai nhỏ” bẩm sinh.

Kỹ thuật cấy ghép đối với bệnh nhân tai nhỏ hiện nay là lấy một phần sụn sườn ở bệnh nhân sau đó tạo hình xương dùng cho cấy ghép, song kỹ thuật hiện nay không thể mô phỏng cấu tạo chi tiết của xương sụn tai ở cấp độ cấu trúc tế bào. Bên cạnh đó, sụn sườn cấy ghép cũng phát sinh nguy cơ biến dạng.

Điểm đáng chú ý của nghiên cứu lần này là sử dụng máy in 3D tạo hình vật thể có cấu trúc lập thể không chỉ trong công nghiệp mà trên cả lĩnh vực y tế. Trong nghiên cứu lâm sàng, các y bác sỹ sẽ chụp ảnh cắt lớp bên tai bình thường của bệnh nhân, đưa dữ liệu về cấu tạo xương sụn vào máy in 3D.

Tiếp đó, máy in 3D sẽ tạo hình xương sụn tai bằng vật liệu tổng hợp (polylactic acid polymer). Sau khi “bộ khung” đã hoàn thành, tế bào sụn tạo thành từ tế bào iPS sẽ được đổ vào bộ khung này để tái sinh tai và tiến hành cấy ghép vào phía tai đối diện bị khuyết tật.

Nhật Bản ngày 19/7 chấp nhận đưa công nghệ tế bào iPS vào nghiên cứu lâm sàng lần đầu tiên trên thế giới, làm dấy lên hy vọng về tiềm năng của ngành y học tái sinh.

Để tái sinh một cơ quan nội tạng hoặc một phần của cơ thể có cấu trúc lập thể, các nhà khoa học cần khôi phục nguyên trạng “cấu tạo” đến cấp độ tế bào để cơ quan nội tạng này có thể hoạt động lâu dài như một phần của cơ thể con người.

Giáo sư Tsumaki khẳng định: “Từ nay, việc sử dụng máy in 3D để ứng dụng công nghệ tế bào iPS giúp tái sinh tai và cơ quan nội tạng sẽ gia tăng nhanh chóng”.

Nguồn Internet


Xương nhân tạo từ tế bào gốc máu dây rốn

Công nghệ sinh học hiện nay có thể tạo điều kiện giúp chế tạo mô xương nhân tạo từ các tế bào gốc lấy từ dây rốn.

Nhóm khoa học ở Granada, Tây Ban Nha đã sáng chế một vật liệu sinh học mới từ tế bào dây rốn với sự hỗ trợ của sợi cacbon có tác dụng như bộ khung, giúp xây dựng lại các tế bào có khả năng tái tạo xương. Nghiên cứu này gần đây được trình bày tại cuộc họp báo ở Trung tâm Nghiên cứu y sinh Granada sau nhiều năm nghiên cứu trong sinh học tế bào, sinh học phóng xạ, ScienceDaily đưa tin.

Xương nhân tạo. (Ảnh: University of Granada)

Mặc dù phương pháp trên chưa được áp dụng trên cơ thể, nhưng kết quả thí nghiệm đưa ra theo các chuyên gia là rất hứa hẹn. Trong tương lai, nó sẽ giúp sản xuất loại thuốc sửa chữa xương, điều trị khối u, tổn thương do chấn thương, hoặc thay thế sụn bị mất trong chân.

Sau khi có xương nhân tạo trong phòng thí nghiệm, bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ cấy ghép vật liệu sinh học này trong động vật thí nghiệm như chuột cống và thỏ, và theo dõi cách thức tái tạo xương của nó.

Về cách phân loại tế bào gốc, nhóm khoa học Granada đã sử dụng công cụ hỗ trợ ba chiều, tạo ra các loại tế bào liên quan đến tái tạo xương trong điều kiện nuôi cấy tế bào, mà không đòi hỏi phải có thêm các yếu tố bổ sung, hoặc các yếu tố khác trong huyết thanh nuôi cấy tế bào.

Sau phát hiện khoa học quan trọng này, các nhà nghiên cứu tin tưởng họ sẽ có thêm được nguồn tài chính cần thiết để tiếp tục công việc và đạt được mục tiêu cuối cùng về phát minh trong y học tái tạo - tái tạo xương bằng cách cấy vật liệu sinh học, điều trị các mô xương và nhiều vấn đề tổn thương sụn.

Nguông: Internet

Lễ phát động đánh gục virus viêm gan b

Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống viêm gan lần thứ 2, Hội Gan Mật Việt Nam đã tổ chức buổi lễ phát động phong trào "Toàn dân chung tay đánh gục virus viêm gan".

Lễ phát động đã truyền đi một thông điệp đến toàn xã hội, để mọi người cùng chung tay đẩy lùi bệnh tật, đặc biệt là viêm gan virus, một căn bệnh nguy hiểm đang âm thầm gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống sức khỏe và kinh tế của hàng triệu người dân.

Phó thủ tướng Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi lễ phát động


Hiện nay, Việt Nam được WHO nhận định là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với dịch viêm gan virus. Tình trạng viêm gan virus ở nước ta diễn ra nghiêm trọng, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan chiếm hơn 20% dân số. Như vậy có gần 20 triệu người bị lây nhiễm virus viêm gan, trong đó có hơn 8 triệu người bị viêm gan virus mạn tính. Đại đa số ca xơ gan ở nước ta là do viêm gan virus (chiếm 80%) và số người chết hàng năm do biến chứng của xơ gan, ung thư gan là hàng chục vạn người.

Trong khi đó, việc dieu tri viem gan virus lại gặp nhiều khó khăn vì thuốc đặc trị đắt tiền, khả năng kháng thuốc và tái phát sau khi ngừng thuốc cao. Theo tính toán của các bác sĩ, mỗi bệnh nhân viêm gan virus B phải chi phí điều trị 2,5-3,5 triệu đồng một tháng, mỗi bệnh nhân viêm gan virus C phải chi 5-15 triệu đồng một tháng (tùy bệnh nặng nhẹ). Đây là một khó khăn lớn đối với các bệnh nhân viêm gan virus, đặc biệt là các bệnh nhân nghèo.

Các số liệu thống kê trên đã cho thấy bệnh viêm gan virus có tần suất mắc bệnh cao và là bệnh trầm trọng. Virus viêm gan có thể xuất hiện mọi nơi và lây nhiễm cho bất cứ ai trong chúng ta, không chừa một ai, nên mọi người cần được nâng cao kiến thức để có nhận thức đúng đắn về virus viêm gan và có biện pháp phòng ngừa, điều trị bệnh kịp thời.

Để tuyên truyền phổ biến kiến thức về virus viêm gan trên Internet, đồng thời hưởng ứng ngày thế giới phòng chống viêm gan lần thứ 3, Hội Gan Mật Việt Nam đã hợp tác cùng Công ty TNHH Tuệ Linh tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu bệnh viêm gan B" trên Internet. Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn giúp độc giả hiểu hơn về bệnh viêm gan nói chung và viêm gan virus B nói riêng. 

Ngoài ra, các độc giả có câu trả lời đúng sẽ nhận được nhiều phần quà từ chương trình.

Nguồn: Internet

August 6, 2013

Bữa tiệc "thịt bò nhân tạo"

Ngày 5/8, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, miếng thịt bò nặng 141 gram được sản xuất từ tế bào gốc trong phòng thí nghiệm sẽ được chế biến thành món ăn tại một nhà hàng ở thủ đô London của Anh.

Đây là kết quả một nghiên cứu của trường Đại học Maastricht (Hà Lan), do giáo sư Mark Post chủ trì, với hy vọng có thể mở ra "kỷ nguyên ẩm thực mới".

Hiện tên nhà hàng vẫn đang được giữ bí mật, song người ta ước tính miếng thịt bò nhân tạo đầu tiên trên thế giới này có giá khoảng 250 bảng Anh (380 USD).

Theo kế hoạch ban đầu, đầu bếp nổi tiếng "xứ sở sương mù" Heston Blumentalsẽ đảm nhận việc chế biến miếng thịt bò nhân tạo này, tuy nhiên đến phút chót kế hoạch bị thay đổi và đích thân giáo sư Mark Post sẽ vào bếp.

Có hai nhà báo sẽ vinh dự được thưởng thức món ăn đặc biệt này.

Theo giáo sư Mark Post, miếng thịt bò nhân tạo gồm 20.000 sợi cơ được sản xuất từ tế bào gốc. Một số chuyên gia cho biết loại thịt bò nhân tạo này không có mùi vị đặc trưng như thịt bò tự nhiên, và nếu xét theo quan điểm ẩm thực thì nó không hữu dụng.

Còn giáo sư Mark Post nhấn mạnh thịt nhân tạo tuy không hấp dẫn như một miếng thịt bò tươi nhưng trong tương lai gần, đây là giải pháp thay thế thịt gia súc, vừa đáp ứng nhu cầu thiếu thực phẩm nghiêm trọng vào năm 2050 vừa giúp thế giới hạn chế hàng tỷ tấn khí thải metan do động vật chăn nuôi gây ra.

Nghiên cứu này sẽ được ứng dụng để sản xuất thịt gà, thịt lợn,…

Giới khoa học cũng cho rằng thịt nhân tạo khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng sẽ khó lòng chấp nhận ngay bởi thói quen sử dụng sản phẩm tự nhiên đã tồn tại hàng nghìn năm.

Do đó, việc tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi nhận thức và thói quen sao cho thích nghi với thịt nhân tạo là rất quan trọng.

Nếu bữa tiệc thịt bò nhân tạo của giáo sư Mark Post nhận được sự hưởng ứng của thực khách thì đây sẽ là thông điệp mạnh mẽ và thuyết phục nhất để đánh dấu kỷ nguyên ẩm thực mới, cũng như thành tựu của con người trong cuộc chiến chống đói nghèo, tiết kiệm nguồn lực tự nhiên, thúc đẩy cuộc cách mạng chuyển dịch sản xuất và chế biến thịt động vật từ trang trại tới phòng thí nghiệm đồng thời bảo vệ môi trường bền vững cho tương lai.