Với một bà mẹ trẻ mới sinh con lần đầu, nếu phải cho con ăn sữa ngoài, thì câu hỏi đầu tiên đó là sữa nào là tốt. Do quá nhiều loại sữa trên thị trường khiến cho các bà mẹ lúng túng khi chọn sữa cho con. Tất cả các hãng sữa: sữa XO, sữa Celia, sữa Friso, sữa Similac, . . . . Nhưng điều quan tâm của các bà mẹ không phải là sữa này đắt hay rẻ, chất lượng sữa như thế nào và độ an toàn của sữa ra sao, mà họ chỉ căn cứ vào những lời quảng cáo và những lời khuyên của các bà mẹ khác. Chính vì những quan niệm đó, nên nhiều bậc cha mẹ cầu kỳ đã không ngại bỏ tiền ra mua các loại sữa “xách tay” với suy nghĩ cho rằng sữa này mới là tốt. Có bà mẹ lựa chọn sữa cho con khi xem quảng cáo thấy loại sản phẩm sữa có chứa đến 54 thành phần dưỡng chất, hoặc sữa có bổ sung gấp 4 lần DHA hoặc sữa có miễn dịch 3 chiều vv và vv …Vậy sữa nào là tốt.
Theo các nhà Dinh dưỡng, để khẳng định một loại sữa có thực sự tốt cho trẻ hay không, thì chúng ta nên lấy sữa mẹ là căn cứ quy chuẩn, vì trong sữa mẹ có đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng đáp ứng được sự phát triển toàn diện của trẻ. Để hiểu rõ hơn ta tạm phân các thành phần trong sữa mẹ theo tác dụng sinh học thành 2 nhóm chính đó là: các thành phần dinh dưỡng và các thành phần giúp tăng sức đề kháng, trí tuệ… Như vậy nếu cần phải cho con ăn sữa công thức thì bà mẹ khi chọn sữa cho bé nên chú ý đến cả 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất: cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng (chất béo, chất đạm, chất bột đường), nước, khoáng chất, yếu tố vi lượng, vitamin … Hầu hết các sữa bột hiện nay đều chế tạo từ sữa bò và đều có nhóm dưỡng chất này, nhưng để phù hợp với khả năng tiêu hoá của bé, nên chọn sữa có thành phần dinh dưỡng được điều chỉnh càng gần với tiêu chuẩn sữa mẹ càng tốt (chất đạm 1,1g -1,5g/100ml, tỷ lệ đạm whey: casein là 60:40 (đạm sữa được thuỷ phân thành những chuỗi ngắn); chất béo 3-4g/100ml, các Acid béo chuỗi dài không no chiếm khoảng 14%; nhiều gốc đường cao phân tử (0,5g/100ml), đặc biệt chú ý đến FOS và GOS là loại Oligosaccharide chỉ có trong sữa mẹ. Các thành phần dinh dưỡng cơ bản này nếu cao hơn chuẩn thì trẻ sẽ khó hấp thụ, nếu thấp hơn chuẩn thì không đảm bảo nhu cầu cho trẻ.
Nhóm thứ hai: đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa đối với sự phát triển trí não, hệ miễn dịch, hệ tiêu hoá, cơ xương của trẻ. Trong đó cần chú ý là các chất béo chuỗi dài không no như DHA, ARA, omega 3, omega 6, taurin, cholin, nucleotides… Trong sữa mẹ, ngoài các thành phần trên còn có những vitamin như vitamin A, D, C và các chất khoáng như chất sắt cũng rất quan trọng giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch. Ngoài ra sữa mẹ còn có các yếu tố hỗ trợ chức năng não như: sphigomyelin ( SM), Phosphatidylserin… Các yếu tố tăng cường miễn dịch, chống nhiễm khuẩn, bảo vệ đường tiêu hoá như lacferrin, bifidus… và các yếu tố tăng cường chuyển hoá acid béo chuỗi dài như L-carnitin, yếu tố tăng cường hấp thụ chuyển hoá canxi, giúp xương chắc khoẻ như: caseinphosphopeptid (CPP), apha lactalbumin…
Khi mua sữa, các bà mẹ nên chú ý lứa tuổi của bé để chọn sữa cho thích hợp. Trẻ dưới 6 tháng dùng loại sữa công thức 1; từ 6 tháng đến 1 tuổi công thức 2 và các loại sữa cho trẻ trên 1 tuổi. Ngoài ra , các bà mẹ cần tuân thủ cách sử dụng sữa theo hướng dẫn trên bao bì theo tỷ lệ, nếu pha đặc quá làm trẻ khó hấp thu, gây táo bón . Nếu pha loãng sẽ không đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của trẻ trong từng thời kỳ , trẻ chậm lên cân, kéo dài có thể đưa đến suy dinh dưỡng.
Một điều rất quan trọng khi bé ăn sữa khác ngoài sữa mẹ, là trẻ hay bị rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy mà ít khi các bậc phụ huynh quan tâm đó là vấn đề vệ sinh ăn uống của trẻ, nhất là vệ sinh các dụng cụ chứa đựng thức ăn như bình sữa, cốc, bát, thìa…Theo thống kê của Khoa tiêu hoá Viện Nhi Trung ương trên 60% trẻ bị tiêu chảy do ăn bằng bình. Vì thế việc vệ sinh bình sữa, núm vú cần tuân thủ các nguyên tắc về vệ sinh (luộc bình, núm vú hàng ngày) để phòng tránh tiêu chảy cho bé.