December 13, 2013

Dứa dại điều trị viêm gan và nhiều bệnh khác

Ngoài tác dụng điều trị viêm gan, xơ gan cổ trướng, thì trong thực tế, Dứa dại còn được sử dụng để chữa nhiều căn bệnh khác như viêm thận phù thũng, viêm tinh hoàn, sỏi thận..

Cũng như các cây cỏ khác, dứa dại còn gọi là dứa gỗ, dứa gai… tên khoa học là Pandanus odoratissium L.F. thuộc họ Dứa dại Pandaceae. Là loại cây mọc hoang ở nhiều vùng trong nước ta, trên các bãi cát ẩm, dọc ven bờ suối, bờ sông ngòi.

Đông y dùng dứa dại làm thuốc từ lâu đời từ những lá hay rễ dứa hoặc quả dứa, hạt quả. Song ngọn đọt non của cây dứa dại người ta dùng làm rau ăn, ngay cả gốc trắng mềm của lá dứa dại cũng làm rau ăn. Để làm thuốc dứa dại cũng được thu hái quanh năm, rửa sạch, thái lát phơi hay sấy khô cất đế dùng dần.

Theo đông y lá dứa dại có vị đắng cay, thơm với công năng sát khuẩn, hạ nhiệt làm long đờm, lợi niệu. Rễ dứa dại được sử dụng làm thuốc nhiều hơn, có vị ngọt nhạt, tính mát, công hiệu lương huyết, lợi tiểu, tiêu độc, trừ đàm, phát hãn (ra mồ hôi), nên dùng trị cảm mạo, phát sốt, viêm thận, thủy thũng, viêm đường tiết niệu, viêm gan, xơ gan cổ trướng, viêm kết mạc mắt. Ngoài ra còn dùng quả dứa dại trị lỵ, ho, hạt quả trị viêm tinh hoàn hay trĩ…

Liều sử dụng trung bình: Cho lá dứa dại cho dạng thuốc sắc từ 15 - 30 g/ngày. Rễ dứa dại khô ngày dùng 15 - 30g cho dạng sắc (có thể sử dụng độc vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác). Quả hay hạt dùng 30 - 60g, sắc uống mỗi ngày.

Để tham khảo và áp dụng xin giới thiệu những phương thuốc trị bệnh chứng từ cây dứa dại.
-  Chữa đau đầu mất ngủ: Rễ dứa dại 20 - 30g, sao thơm, sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày.
-  Chữa tiểu buốt, đái ít: Rễ dứa 20 - 30g, rễ dứa gai (trái thơm) 20 - 30g, sắc lấy nước chia 2 lần uống trong ngày.
-  Chữa sỏi thận, tiết niệu: Rễ dứa dai hoặc dứa quả dại 12 - 20g, hạt quả chuối hột 10 - 12g, rễ cỏ tranh 10 - 12g, bông mã đề 8 - 10g, kim tiền thảo (lá đồng tiền hay gọi lá mắt trâu) 15 - 20g, rễ cây lau 10 - 12g, củ cỏ ống 10 - 12g, sắc lấy nước uống làm 2 - 3 lần trong ngày vào trước bữa ăn, mỗi lần khoảng 100 - 150 ml.
-  Trị viêm thận phù thũng: Rễ dứa dại 30 - 60g, thịt lợn nạc 150 - 200g, nấu thành canh ăn ngày một lần, một tuần cần ăn 3 - 4 lần. Kết hợp hằng ngày dùng rau dừa nước khô (Du long thái) 30 - 60g, rau má 12 - 16g, Bông mã đề 10 - 12g, Bồ công anh 12 - 16g, sắc với nước uống vào trước bữa ăn ngày 2 lần, mỗi lần 150 ml.
-  Thuoc tri benh gan (viêm gan, xơ gan cổ trướng): Rễ dứa dại hoặc quả dứa dại 20 – 30g, lá quao nước 20 - 30g, lá cây ô rô 12 - 20g, sắc lấy nước thuốc uống ngày 2 lần, mỗi lần chừng 150 ml vào trước bữa ăn.
-  Chữa chứng viêm tinh hoàn: Lấy hạt quả dứa dại 30 - 60g, lá tử tô 30g, lá quất hồng bì 30g, nấu kỹ lấy nước để còn ấm rửa hằng ngày.
-  Ăn uống kém sau sinh: Rễ dứa dại 15 - 20g, vỏ cây chòi mòi (Antidesma ghaesembilla Gaertn, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae) 7 miếng cỡ 4x6 cm, sắc lấy nước uống ngày 2 lần vào trước bữa ăn, mỗi lần khoảng 100 ml.

Cách phát hiện bệnh ung thư tế bào gan sớm

Để biết được nguy cơ mắc bệnh xơ gan và ung thư gan dùng phương pháp xác định các đột biến tại vùng BCP/PC của virus viêm gan B ở bệnh nhân viêm gan B từ đó có hướng điều trị ung thư gan kịp thời.

Theo số liệu thống kê, hiện trên thế giới có trên 2 tỷ người bị nhiễm virus viêm gan B (HBV), trong đó có trên 350 triệu người bị viêm gan B mạn. Viêm gan B mạn có thể dẫn tới các biến chứng như xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Ung thư gan nguyên phát là nguyên nhân thứ ba gây tử vong trên thế giới do ung thư và ung thư biểu mô tế bào gan chiếm 85-90% trong số những ung thư gan này.

Một số nghiên cứu mới nhất của Thế giới công bố trong các năm 2011-2013 về các đột biến tại vùng BCP/PC đã chỉ ra rằng việc xác định số lượng, vị trí và sự kết hợp các đột biến này ở những bệnh nhân viêm gan vi rút mạn tính có ý rất nghĩa quan trọng trong việc đánh giá nguy cơ phát triển thành xơ gan và ung thư tế bào gan trong tương lai 5-10 năm tiếp theo.

Nếu lượng vi rút viêm gan B (HBV DNA) luôn ở mức >106 copies/mL thì sau khoảng 10 năm sẽ có 36,2% số bệnh nhân tiến triển thành xơ gan. Nếu bệnh nhân được điều trị và số lượng virus HBV DNA giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện thì chỉ còn 4,5% số bệnh nhân bị xơ gan.

Tương tự, nếu HBV DNA luôn > 106copies/mL thì sau khoảng 10 năm sẽ có 15% số bệnh nhân tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào gan. Nếu bệnh nhân được điều trị và số lượng virus HBV DNA giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện thì chỉ còn 1,3% số bệnh nhân tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào gan.

13 vị trí đột biến trên vùng BCP/PC của vi rút viêm gan B có liên quan với nguy cơ xơ gan và HCC được xác định bang kỹ thuật giải trình tự trực tiếp

Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu “Các đột biến trên vùng BCP/CP của vi rút viêm gan B ở bệnh nhân viêm gan B mạn có liên quan đến xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan ở miền Bắc Việt Nam” trên 72 bệnh nhân sống tại miền Bắc trong hơn 1 năm (12/2010 - 6/2013) có HbsAg dương tính với lượng vi rút HBV DNA >105/mL của PGS Nguyễn Nghiêm Luật, chuyên gia đầu ngành về hóa sinh, cùng cộng sự thực hiện nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đột biến gen lên tới gần 85%. Nghiên cứu này đã ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen trực tiếp và được báo cáo tại Hội nghị Khoa học Medlatec 2013 diễn ra tại Hà Nội ngày 12/12.

Như vậy, bên cạnh các yếu tố khác như người trên 35 tuổi dễ mắc bệnh hơn, ở nam giới nhiều hơn nữ giới, nhiễm aflatoxin B1, nghiện rượu, đái tháo đường, bệnh gan nhiễm mỡ không do alcol, nhiễm sắc tố sắt (hemochromatosis), tiền sử gia đình về ung thư biểu mô tế bào gan, kết quả xét nghiệm gen đột biến này rất có ý nghĩa trong việc ngăn chặn và phòng ngừa sớm bệnh ung thư gan và xơ gan ở người viêm gan B.

Rượu gây bệnh hiểm nghèo, đặc biệt bệnh ung thư gan

Khoa học đã chứng minh uống nhiều rượu, bia có thể gây ra các nguy cơ tiềm ẩn mắc các chứng bệnh hiểm nghèo cho cơ thể như:

-  Bệnh xơ gan
-  Bệnh ung thư trong đó phổ biến là ung thư gan, ung thư ruột, ung thư vú (ở cả nam lẫn nữ), ung thư miệng, ung thư hầu, ung thư thực quản, ung thư thanh quản.
-  Tiểu đường
-  Vô sinh do giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới.

Ngoài ra, việc sử dụng rượu, bia thường xuyên còn là nguyên nhân gây ra các bệnh khác như gouts, viêm tụy, tăng men gan,….

Cơ chế gây bệnh hiểm nghèo do rượu, bia :

Thông thường, lượng rượu, bia uống vào cơ thể khoảng 2-8% được thải ra ngoài qua đường nước tiểu, mồ hôi hoặc hơi thở; 92-98% còn lại được chuyển hóa hoàn toàn tại gan và thận. Ở người uống rượu vừa phải thì phần lớn rượu được chuyển hóa tại gan và thận theo hai giai đoạn.

Trong giai đoạn 1, rượu được chuyển hóa thành Acetaldehyde dưới tác động của ba hệ thống men: (1) Alcoholdehydrogenase (coenzyme NAD) nằm trong bào tương; (2) hệ thống ôxy hóa rượu ở microsome (Microsomal Ethanol Oxidating System - MEOS) và (3) các men Catalase.

Trong giai đoạn 2, Acetaldehyde được hình thành, là một chất độc, sẽ được ôxy hóa để chuyển thành Acetate. Năng lực chuyển hóa của giai đoạn này chỉ có giới hạn và có sự tham gia của ADH, một enzyme phụ thuộc NAD.

Ở những người phải sử dụng quá nhiều bia rượu, lượng Acetaldehyde được sản sinh với một mức quá lớn sẽ không được chuyển hóa hết và gắn vào màng tế bào gây tổn thương tế bào thông qua các cơ chế gây độc, gây viêm và miễn dịch với hậu quả là quá trình tạo xơ tế bào, gây loạn chức năng tế bào, hình thành các tế bào ác tính. Một đặc điểm cực kỳ quan trọng là các phản ứng trong quá trình chuyển hóa rượu trong cơ thể sẽ giải phóng ra các gốc tự do hoạt động.

Các tế bào bị tổn thương theo thời gian dẫn đến xơ tế bào, chết tế bào hoặc hình thành các dạng bất thường của tế bào từ đó hình thành các bệnh và bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận, viêm tụy, bệnh xơ gan, tim mạch, tiểu đường,….

Phân biệt GIẢI RƯỢU và GIẢI ĐỘC RƯỢU

Giải rượu thông thường giúp làm giảm nhẹ những triệu chứng khó chịu do ngộ độc rượu gây ra cho cơ thể bằng cách làm chậm lại quá trình chuyển hóa rượu thành chất gây độc, nhờ vậy làm giảm tại chỗ và tức thời các triệu chứng khó chịu do ngộ độc rượu. Tuy nhiên những sát thủ lâu dài của cơ thể vẫn còn đó. Các sản phẩm chuyển hóa và giáng hóa của ethanol (rượu, bia) trong quá trình này là Acetaldehyde và gốc tự do vẫn còn tích tụ và vẫn tồn tại trong cơ thể lâu dài.

Giải pháp?

Để hạn chế sự hình thành các tế bào bất thường, người thường xuyên sử dụng rượu bia cần có một giải pháp tổng thể là giải độc rượu, phục hồi tế bào gan.

Giải pháp tổng thể giải độc rượu, phục hồi tế bào gan không chỉ giải độc tức thời giúp cho cơ thể đào thải tối đa lượng Acetaldehyde tồn đọng sau mỗi lần sử dụng rượu, bia từ đó giúp tỉnh táo, không đau đầu, mệt mỏi. Ngoài ra đây là giải pháp tối ưu bảo vệ cơ thể lâu dài bằng cách phục hồi tổn thương tế bào và ngăn ngừa các bệnh hình thành do rượu.

Đối với người tiêu dùng, chúng ta nên tìm hiểu kỹ thông tin khi quyết định sử dụng một sản phẩm chăm sóc sức khỏe để có được biện pháp tốt nhất bảo vệ cơ thể, giữ gìn sức khỏe đảm bảo một cuộc sống có chất lượng.

December 2, 2013

Độc tính trên tim của hóa chất chữa ung thư gan

Hầu hết các hóa chất chống ung thư đều có độc tính cao đối với nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể, trong đó có quả tim.

Một số loại hóa chất còn có thể gây tổn thương cơ tim dẫn đến rối loạn nhịp tim hoặc suy tim. Hầu hết các hóa chất cũng như tia xạ đều gây tổn thương tim bằng cách tạo ra các gốc ôxy hóa tự do.

Hóa chất chữa ung thư gan gây độc cho tim.

Mặc dù có nhiều loại hóa chất được ghi nhận có thể gây ra các tổn thương cơ tim, nhưng doxorubicin là thuốc có nguy cơ lớn nhất.

Các dẫn xuất khác trong nhóm anthracyclin (như daunorubicin, epirubicin, idarubicin) và một số hóa chất như cyclophosphamid, arsenic trioxid, denileukin diftitox, gemtuzumab ozogamicin, melphalan, octreotid, oprevelkin, paclitaxel, tretinoin, fluorouracil và mitoxantron đều được ghi nhận có thể gây ra các rối loạn nhịp tim hoặc suy tim.

Triệu chứng

Các biểu hiện thường gặp của nhiễm độc tim do hóa chất chống ung thư mà người bệnh có thể cảm nhận được là mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, khó thở tăng lên khi nằm, trống ngực đập mạnh, phù chân, đi tiểu ít.

Thăm khám lâm sàng có thể thấy rối loạn nhịp tim, nghe tim có các tiếng thổi và một số biểu hiện của suy tim như nhịp tim nhanh, gan to, tĩnh mạch cổ nổi. Để có thể phát hiện sớm các tổn thương tim hóa trị liệu chống ung thư, cần theo dõi người bệnh chặt chẽ sau khi dùng thuốc, đặc biệt lưu ý sự xuất hiện của các rối loạn nhịp tim hoặc các dấu hiệu của suy tim.

Dự phòng

Một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm độc tim do các hóa chất chống ung thư như thay đổi liều dùng, cách dùng của thuốc, sử dụng các thuốc ít độc tính và dự phòng bằng thuốc.

Thay đổi liều dùng
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc cơ tim, các hóa chất cần được sử dụng với tích lũy liều thấp nhất, đặc biệt là với nhóm anthracyclin. Các nghiên cứu cho thấy, nếu dùng doxorubicin với tổng liều dưới 550mg/m2 da, nguy cơ nhiễm độc cơ tim chỉ là 1%.

Tuy nhiên, khi tích lũy liều tăng lên 560-1155mg/m2 da, nguy cơ nhiễm độc tim tăng lên tới 30%. Có sự khác biệt đáng kể giữa các cá thể về khả năng dung nạp doxorubicin, một số người có thể dùng liều rất cao mà không gây các bất thường ở tim, nhưng một số người dùng liều thấp (tổng liều dưới 550mg/m2) cũng gặp phải các tổn thương tim.

Thay đổi phương pháp dùng thuốc

Có một số bằng chứng cho thấy, phương pháp dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng nhiễm độc tim của thuốc. Truyền thuốc quá nhanh làm tăng nhanh nồng độ thuốc trong máu có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm độc tim.

Cùng một lượng thuốc, nếu được truyền chậm trong một thời gian kéo dài có thể giúp giảm nguy cơ này so với việc truyền nhanh trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, nếu thuốc được sử dụng chia từng liều nhỏ với khoảng cách tương đối gần giữa các liều cũng giảm nguy cơ nhiễm độc tim so với việc dùng các liều cao với khoảng cách giữa các liều kéo dài.

Sử dụng các dẫn xuất anthracyclin liposomal ít độc tính

Nguy cơ nhiễm độc tim do anthracyclin có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng các dẫn xuất anthracyclin liposomal như liposomal doxorubicin, pegylated liposomal doxorubicin. Trong các dẫn xuất này, anthracyclin được gói bọc trong các giọt mỡ nhỏ, nhờ đó sẽ lưu lại lâu hơn trong cơ thể và được phóng thích từ từ vào trong máu, không làm tăng cao nồng độ thuốc trong máu.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, dùng công thức liposomal doxorubicin giúp giảm rõ rệt nguy cơ nhiễm độc tim so với khi dùng công thức doxorubicin thông thường nhưng hiệu quả chống ung thư tương đương nhau.

Dùng thuốc dự phòng dexrazoxan

Dexrazoxan được chứng minh là có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm độc tim của doxorubicin bằng cách ngăn chặn sự tạo thành các gốc ôxy hóa tự do. Gốc ôxy hóa tự do là các phân tử kém bền vững, được tạo ra trong cơ thể từ các phản ứng ôxy hóa hoặc do sự tiếp xúc của cơ thể với một số yếu tố môi trường như khói thuốc lá, tia xạ, hóa chất.

Điều trị

Cũng như với mọi tác dụng phụ khác của thuốc, ngưng hoặc giảm liều của thuốc gây độc cho tim là biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất, cần được làm ngay khi có thể. Tình trạng suy tim và rối loạn nhịp tim do hóa trị liệu chống ung thư cũng được điều trị tương tự như do các nguyên nhân khác.

Các thuốc chính được sử dụng trong điều trị suy tim là thuốc lợi tiểu (như furosemid, veospiron), thuốc trợ tim (như digoxin), thuốc ức chế men chuyển (như benazepril, enalapril và fosinopril) và thuốc chẹn bêta giao cảm (như metoprolol, propranolol và atenolol). Tùy thuộc vào loại rối loạn nhịp tim gặp trên điện tâm đồ, một số thuốc điều trị loạn nhịp tim có thể được sử dụng như amiodaron, mexiletil, propafenon...

Câu chuyện bi kịch về "người mẹ bệnh nuôi các con ung thư máu"

Chán cảnh vợ con bệnh tật, nợ nần chồng chất, chồng bỏ nhà ra đi, gần chục năm nay người phụ nữ này đã lặng lẽ, nuốt cay đắng, một mình đưa các con đi bệnh viện. Để rồi một trong ba đứa con đã không thể tiếp tục sự sống, hai đứa con còn lại cùng người mẹ đều mang bệnh trọng, ngày qua ngày vật vờ trong ranh giới giữa sự sống và cái chết. Đó là hoàn cảnh vô cùng bi đát của chị Ngô Thị Hồng, trú tại thôn 10, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội.

Chồng bỏ, con mất, còn lại nỗi đau bệnh tật

Sinh hai đứa con, không may cả hai đều có gene máu trắng, bé thứ hai bị nặng, chạy chữa 4-5 năm trời, tiêu tốn khá nhiều tiền của nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu sống. Nỗi đau mất con khiến vợ chồng chị Hồng suy sụp đi một thời gian, nghĩ đến tương lai phía trước, anh chị quyết định sinh thêm bé thứ ba là Hoàng Công Tiến. Bất hạnh lại ập đến khi phát hiện bé Tiến cũng mắc bệnh máu trắng lúc mới 6 tháng tuổi. Giọt máu thứ 3 của vợ chồng chị Hồng đã trở thành gánh nặng vô cùng lớn, đẩy cuộc sống gia đình vào vực thẳm.

Chán cảnh con cái bệnh tật, nợ nần ngập cửa, chồng là anh Hoàng Công Hà đã bỏ nhà đi cách đây chục năm, không quay trở về. Chị Hồng không còn cách nào khác đành cắn răng chịu khổ, một mình chăm 2 đứa con kém may mắn.

Hai mẹ con chị Ngô Thị Hồng

Gạt nước mắt, chị Hồng kể: “Con cái bệnh tật, mất đi một đứa đã đau lòng lắm rồi, sinh thêm đứa nữa cũng chẳng được như người ta, dù chỉ một chút thôi cũng không được. Ngày nào nhìn con tôi cũng khóc, chục năm rồi chỉ có mẹ con tôi trong ngôi nhà cấp 4 này. Và sẽ không thể kể hết những nỗi khổ mà tôi đang gánh chịu”.

Đau đớn nhìn thân xác con bị hành hạ

Bé Tiến bây giờ đã 12 tuổi, căn bệnh máu trắng đã đeo bám em suốt 11 năm qua kể từ ngày phát hiện bệnh. Cơ thể em bị biến dạng đi trông thấy, đầu to, bụng phình trướng ra, chân tay teo tóp lại. Căn bệnh quái ác không chỉ vắt kiệt sức lực của Tiến mà còn gây ra biến dạng xương mặt, xương chân tay, xương hông. “Một thời gian cháu nó bị biến dạng xương tay chân, động đâu gãy đấy, cứ bó bột xong lại gãy, vừa rồi đi hội chẩn, các bác sĩ cho biết cháu bị biến dạng xương hông. Nó đau nên khóc suốt, thương con mà chỉ biết ôm con khóc thôi, biết làm sao được” - chị Hồng tâm sự.

Trung bình nửa tháng chị Hồng lại đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương chữa trị. Chi phí mỗi lần đi mất ít nhất 2 triệu, trong vòng 11 năm nay, chị đã phải vay mượn hơn 100 triệu để lo cho con. Vay nhiều mà không có trả, không ít lần ngân hàng xuống đòi lãi, người quen đến đòi tiền, chị khất nợ một vài lần không được, có lúc phải chạy trốn sang nhà hàng xóm.

Bởi thế mà hai tháng nay, chị không thể đưa Tiến lên viện theo lịch hẹn của bác sĩ. Chị nói trong nấc nghẹn: “Giờ tôi chẳng thể vay nổi tiền để đưa con đi viện nữa. Bác sĩ bảo gia đình chuẩn bị tiền để ghép tủy cho con nhưng thử hỏi giờ tôi kiếm đâu ra 200 triệu để ghép. Tôi đành phải để con ở nhà, tôi đã cố hết sức rồi, sinh con ra để con như thế này, tôi cũng đau lòng lắm chứ”.

Bất hạnh của người phụ nữ đang ở trước mắt chúng tôi càng lúc càng quá sức chịu đựng khi chị cho biết thêm chị đang mang trên mình hai căn bệnh: U nang cổ tử cung và ung thư vòm họng. Mấy năm trời đưa con đi viện, người mẹ ấy đã âm thầm chịu đựng sự giày xéo của những căn bệnh hiểm nghèo. Khi được hỏi tại sao chị không đi chữa trị, chị nuốt nước bọt rồi nói: “Thì bây giờ tất cả vì con nên kệ, chữa cho con được như thế nào thì tốt thế đó, giờ chữa cho mẹ nữa thì tiền đâu ra. Cô xem trong nhà còn có gì đáng giá nữa đâu. Mỗi lần đi viện, mọi người hỏi - hai mẹ con đi như thế này, bỏ nhà như thế không sợ trộm cắp à, thì tôi đều phải bảo nhà có cái gì nữa đâu mà mất, có vài cái nồi, cái xoong, lấy được thì lấy”.

Cảnh hai mẹ con vò võ trong nhà, cả hai đều ôm bệnh, tưởng chừng như không còn có một tia sáng nào có thể hé mở. Song chị Hồng vẫn còn có một niềm tin khi nhắc đến đứa con gái đầu là em Hoàng Thị Yến. “Con bé là tất cả những gì tôi hy vọng, nó khổ từ bé, hai đứa em bị bệnh đều được nó chăm sóc, giờ nó quyết tâm học trung cấp y, tôi vui lắm. Nhưng tôi chỉ buồn là tôi không nuôi được nó học”, - nói đến đây, chị Hồng nghẹn ngào cúi mặt xuống.

Yến năm nay 22 tuổi, vì thương mẹ, em đã học trung cấp y với mong muốn có thể chữa bệnh được cho em và mẹ. Song vì hoàn cảnh cơ cực, việc ăn ở học tập của em gặp rất nhiều khó khăn, mỗi ngày em chỉ dám tiêu 6 nghìn đồng. Hoàn cảnh éo le của mẹ con chị Hồng dường như đã không còn lối thoát.