November 19, 2013

Cách dùng thảo dược cho người mắc bệnh gan

Có nhiều loại trà quảng cáo trị đủ thứ bệnh từ điều trị viêm gan, huyết áp, tim mạch… được nhiều người dùng uống hàng ngày. Tuy nhiên, đã có những vụ tai biến về trà thảo dược xảy ra.

Nhân trần không nên kết hợp với cam thảo

Nhân trần – cam thảo là 2 vị thuốc tốt, nhưng kết hợp với nhau sẽ không tốt vì cam thảo giữ nước, nhân trần lại giúp đào thải. Uống nước nhân trần pha cam thảo thay trà không đúng cách còn bị tương tác thuốc, nhất là người tăng huyết áp.

Trà đắng giúp giảm cân, an thần, ngủ ngon, hạ cholesterol máu, trị tiểu đường, bệnh tim mạch, chữa cảm lạnh, đau nhức… Nhưng các chuyên gia dược xếp vào nhóm dược thảo có chứa chất gây hại cho gan, uống nhiều sẽ rối loạn cung cấp máu cho gan, dẫn đến sưng gan, vàng da, bụng có nước, chân phù, chậm nhịp tim, hạ huyết áp đột ngột… Thậm chí mất thăng bằng, tự ngã, tử vong vì suy gan cấp tính, suy giảm chức năng tình dục.

Các lương y, bác sĩ khuyến cáo: Không phải bất cứ loại trà thảo dược nào cũng an toàn. Nếu có bệnh dùng trà thảo dược sai, bệnh sẽ nặng hơn. Người không có bệnh, uống nhiều trà thảo dược có thể bị ngộ độc dược chất.

Mua trà cần có nguồn gốc rõ ràng, dùng đúng hướng dẫn sử dụng, xem kỹ xuất xứ, hạn sử dụng. Không nên mua nguyên cây về nấu uống vì rất khó xác định nguồn gốc, độ an toàn (do khi trồng dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, nguồn nước ô nhiễm…) hoặc sơ chế không đảm bảo vệ sinh, sẽ hại cho sức khỏe.

Ai không nên uống trà thảo dược?

Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, người có sức khỏe bình thường có thể sử dụng trà có nguồn gốc thực phẩm từ rau quả như bí đao, rau má, rau đắng, mướp đắng (khổ qua)… Nhưng có những loại trà thảo dược như: Hoa sơn trà, hoa tam thất, hoàn ngọc, nha đam, lược vàng… có tính chất chữa bệnh, dùng thường xuyên thì tính vị (nóng, lạnh, đắng, cay…) của thuốc sẽ làm cơ thể bị mất cân bằng.

Công dụng của các dược liệu có khác nhau, bào chế, liều dùng, cách dùng cũng tạo đặc trưng (như giải nhiệt chống khát, lợi niệu giải độc, kích thích tiêu hóa, giảm mỡ máu, cải thiện trí nhớ, chống viêm loét tiêu hóa, kháng khuẩn tiêu viêm…). Có loại trà thảo dược hợp với người này, nhưng không hợp với người kia.

Người vừa phẫu thuật hoặc đang dùng thuốc, người bị rối loạn chức năng thận, bệnh tim, viêm loét dạ dày và các vấn đề tâm lý, trẻ nhỏ cơ thể còn non nớt không nên uống trà thảo dược.

Người có bệnh tăng nhãn áp, thiếu máu, bệnh gan các bác sĩ khuyên nên tránh uống trà. Người yếu nếu uống trà thảo dược với tính hàn và vị đắng sẽ làm tổn hại đến dương khí và tì vị, dẫn đến nhiều căn bệnh khác.

Đặc biệt, các bà bầu muốn uống trà phải có ý kiến của bác sĩ, bởi các loại thảo mộc khi pha thành trà, cô đặc và uống quá nhiều sẽ không tốt tới sức khỏe mẹ và thai nhi. Một số loại trà có thể vô tình gây kích thích tử cung, co thắt dạ con (như với trà hoa cúc, thìa là, trà sả, ma hoàng, rễ cam thảo, lá mâm xôi, hoa hồi, cây ngải đắng, cây hương thảo…).

Nếu không có bệnh lý về gan, không có y lệnh thì bà bầu tuyệt đối không dùng nhân trần, cam thảo (kẻo cơ thể thải nhiều nước và dinh dưỡng sẽ khiến thai bị suy dinh dưỡng, sinh non hoặc thiếu cân, chết lưu…).

Phụ nữ mới sinh con không uống nhiều trà thảo dược vì dễ có nguy cơ hậu sản. Người mẹ uống nhiều có thể dẫn đến bị mất sữa hoặc ít sữa.

Phụ nữ kỳ kinh nguyệt mất rất nhiều máu, thiếu chất sắt, nếu uống trà thảo dược tính hàn vào càng hại cho dạ dày, còn gây chóng mặt, đau bụng.

Trà thảo dược là dược liệu, vì vậy không thể uống nhiều một lúc, càng không thể dùng lâu. Hầu hết trà thảo dược lợi tiểu, do đó không nên uống trước khi đi ngủ, khi đói (nhất là khi vừa ngủ dậy vì sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa). Không nên uống trà thảo dược ngay sau bữa ăn vì chất tanin sẽ làm protein trong thức ăn trở nên cứng, khó tiêu... Không nên uống trà để qua đêm. Cũng không ngâm trà thảo dược trong ấm trước lúc đi ngủ để sáng hôm sau dậy uống, vì không khoa học và ảnh hưởng đến sức khỏe.


No comments:

Post a Comment