September 13, 2013

Nguyên tắc vàng khi điều trị ung thư

Ung thư đang tăng nhanh tại Việt Nam, với tỉ lệ trung bình khoảng 150.000 ngàn ca bệnh mới mỗi năm.

1. Phát hiện kịp thời

Bệnh ung thư rất nguy hiểm, vì vậy dù còn trẻ các bạn cũng nên khám sức khoẻ định kỳ. Đây là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ chính bạn và ngăn chặn ung thư. Sự thực, công việc đơn giản này lại rất ít khi được mọi người quan tâm, hoặc có quan tâm thì cũng thực hiện thiếu nghiêm túc.

Bệnh nhân có thể gặp các dạng ung thư rất điển hình như ung thư gan, phổi, dạ dày, đại tràng, trực tràng… nhưng đáng tiếc, rất nhiều trong số này tìm đến bác sĩ khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. Khi ấy, những phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị… khó lòng phát huy tác dụng.

2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Chế độ dinh dưỡng là điều kiện quan trọng để khống chế sự lây lan của tế bào ung thư và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Bệnh nhân ung thư gan, thông thường nên ăn các chất giàu protein, ít mỡ, ít béo, thức ăn dễ tiêu hóa, đặc biệt là hoa quả tươi. Có thể ăn nhiều bữa một ngày. Đặc biệt, khi bệnh ở giai đoạn cuối thì cần chú ý khống chế lượng chất protein vào cơ thể để tránh tình trạng hôn mê do gan gây ra.

Bệnh nhân ung thư vú nên chọn các thực phẩm có khả năng điều tiết, thông khí như: hải sâm, rong biển, gà đen… Nên ăn nhiều hoa quả và kiêng rượu, thuốc, thực phẩm cay nóng, hun khói, tẩm ướp, nướng…

Bệnh nhân ung thư dạ dày khi ăn uống cần nhai chậm nuốt kỹ, ăn ít một và chia làm nhiều bữa trong ngày. Nên ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, ít chất xơ. Phương pháp nấu ăn nên áp dụng là hầm, nấu, hấp. Không nên rán, hun khói, muối ướp, đặc biệt các loại dưa muối, nộm sống.

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung nên ăn các thực phẩm có thể vừa chọn dùng để chống ung thư vừa chống xuất huyết cổ tử cung: ý dĩ, ô mai, ba ba, cá ngựa, hải sâm, vây cá, mộc nhĩ đen, nấm, sứa, sơn trà, đậu xanh…

3. Lạc quan

Ung thư có thể chữa được hay ít ra có thể khống chế được. Vì vậy, người bệnh không được có tâm lý buông xuôi, bỏ cuộc trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này. Nghị lực sống và tinh thần lạc quan là một yếu tố cực kỳ quan trọng với các bệnh nhân điều trị ung thư và đôi khi tạo nên sự khác biệt rất quan trọng.

Với sự phát triển của y học hiện nay, tỷ lệ sống sót nếu nhiễm ung thư đã lên tới 30% so với tỷ lệ 10% ngày trước. Bạn có thể được kéo dài cuộc sống thêm 5 năm nếu đã mắc ung thư cũng là chuyện rất phổ biến. Hãy nhớ, y học ngày nay phát triển không ngừng, trong khi căn bệnh nan y nào cũng chỉ là sự tồn tại mang tính giai đoạn. Trước ung thư, lao phổi cũng là một căn bệnh nan y và đã hoàn toàn được khắc phục. Còn với ung thư, trong 30 năm trở lại đây, các thành tựu y học và các nghiên cứu về nó đã có những tiến bộ rất cơ bản.

4. Tỉnh táo khi chọn nơi điều trị

Người ta thường nói tới khái niệm may mắn khi chữa ung thư. Tuy nhiên, may mắn ấy phụ thuộc vào bước đầu tiên, khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh và lên phương án điều trị. May mắn là khi họ sẽ tìm được những bác sĩ tốt và những phương pháp điều trị phù hợp.

Các bệnh nhân mắc ung thư được khuyên nên tìm tới những bệnh viện lớn, hiện đại và do nhà nước quản lý - dù là ở trong nước hay nước ngoài thay vì tin tưởng vào các phòng khám sơ sài, hoặc các bệnh viện tư nhân không rõ xuất xứ.


Nước uống để trong ô tô có nguy cơ gây ung thư

Đó là khẳng định của chuyên gia khi trên mạng tràn lan thông tin cho rằng, uống chai nước đặt trong ô tô có thể gây ung thư, nhất là ung thư vú trên phụ nữ.

Chỉ tiêu an toàn của nhựa thực phẩm

Một số trang web trên internet gần đây dẫn thông tin từ nước ngoài cho thấy, uống nước đóng chai để trong ô tô có thể bị ung thư. Nguyên nhân do nhiệt độ ô tô cao làm phân hủy chất dioxin có trong nhựa. Chất này hòa tan trong nước và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Đặc biệt đối với phụ nữ, dioxin gây ung thư vú. Nhận định này được đưa ra khi nhân vật Sheryl Crow nói rằng đó là nguyên nhân khiến cô mắc ung thư vú. Kết quả kiểm tra đã xác định được có mức độ cao của chất dioxin (C4H4O2) trong mô ung thư vú.

Ngoài ra, thông tin còn dẫn khuyến cáo của Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed rằng đã có quy định không đặt thức ăn đựng trong hộp nhựa và màng bọc nhựa vào lò vi sóng. Vì khi thức ăn được nấu ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra các chất độc ngoài vỏ bọc plastic và nhỏ giọt vào thức ăn. Thay vào đó người tiêu dùng có thể dùng khăn giấy thay thế cho màng bọc. Không đặt chai nước bằng nhựa trong tủ lạnh vì nước đá lạnh cũng làm cho dioxin từ nhựa được giải phóng.

Chị Phùng Thị Bình (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, sau khi đọc được thông tin này cả gia đình chị rất hoang mang. Bởi việc để chai nước uống trong ô tô đã được sử dụng từ lâu và khó có phương án thay thế. Tuy nhiên, sự chính xác, khoa học của vấn đề này vẫn chưa được công bố.

Trước vấn đề trên, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, thông tin cho rằng uống nước để trong ô tô gây ung thư vú là hoàn toàn phản khoa học.

PGS.TS Trần Hồng Côn phân tích: Về nguyên lý nhựa sẽ thôi nhiễm và biến dạng ở nhiệt độ từ 100 độ C trở lên. Nhiệt độ giải phóng dioxin khoảng trên dưới 1.200 độ C, tức khi bị đốt cháy.
Đối với các loại nhựa dùng để đựng nước, cocacola... đều là nhựa thực phẩm. Trong quá trình sản xuất, nhựa được cho thêm các chất mềm hóa.

Tuy nhiên, hàm lượng và chỉ định đều phải phù hợp với quy định của châu Âu hay Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Do vậy, loại nhựa này chịu được ảnh hưởng các môi trường như axit, nhiệt độ từ khoảng 70 độ C từ thức ăn.


Chai nước đặt trong ô tô hoàn toàn không có khả năng gây ung thư.

Hiểu đúng về nhựa dùng một lần

Theo các chuyên gia, ô tô đóng kín cửa để ngoài nắng nhiệt độ có thể lên đến 50 độ C. Mức nhiệt này chưa đủ để giải phóng các chất phụ gia trong đồ nhựa đựng thực phẩm. Tương tự, chai nước để lâu cũng không bị tác động. Vì thế, chai nước đặt trong ô tô hoàn toàn không có khả năng gây ung thư.

"Chai nước chủ yếu bị tác động khi để dưới ánh nắng mặt trời lâu. Lúc này tia cực tím, quang hóa sẽ cắt mạch polime khiến sản phẩm bị mủn. Khi đó chất phụ gia mới có khả năng thôi nhiễm", PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Ở phương diện khác, TS Nguyễn Văn Hãn, Trung tâm Dữ liệu môi trường Phú Gia cho rằng, mọi người vẫn nghĩ nhựa sử dụng một lần là không an toàn và không dùng lại lần sau là chưa hẳn đúng. Nhựa dùng một lần vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn đối với sức khoẻ người sử dụng. Giá thành rẻ hơn chỉ là ở phương diện nhà sản xuất làm mỏng, không cầu kỳ bằng nhựa dùng lâu dài. Ngoài ra, giá thành tái chế nhựa cũng rẻ hơn. Vì thế, nếu không có điều kiện vẫn có thể tái sử dụng nhựa dùng một lần cho cuộc sống.

Hay nhựa đặt trong tủ lạnh dù là nhựa cứng, chịu tác động nhiệt độ âm nhưng vẫn đảm bảo các phân tử phụ gia ở mức tối thiểu, tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Vì thế, theo các chuyên gia, điều cần thiết nhất của người tiêu dùng là chọn các sản phẩm nhựa có ghi rõ nguồn gốc sản xuất, thành phần rõ ràng và sử dụng đúng theo hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất đó. Tránh ham rẻ mua loại nhựa tái chế không rõ nguồn gốc để đựng thực phẩm. Đối với sản phẩm dùng trong các trường hợp đặc biệt như lò vi sóng, đựng nước đá trong tủ lạnh cần mua đúng chủng loại nhựa có đặc tính chịu được ảnh hưởng của môi trường cao.

Tập thể dục giảm nguy cơ ung thư tử cung

Theo một nghiên cứu gần đây, giữ hoạt động trong nửa giờ mỗi ngày có thể giảm một nửa nguy cơ ung thư tử cung.

Chỉ cần 38 phút hoạt động thể chất mỗi ngày, kết hợp với việc duy trì trọng lượng cơ thể có thể giúp ngăn chặn 44% các trường hợp tại Anh.

Tập thể dục đều đặn mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ ung thư tử cung đến 50%


Dự án của Quỹ nghiên cứu ung thư phát hiện 3.700 trường hợp có thể được ngăn chặn mỗi năm nhờ tập thể dục.
Chỉ có 56% phụ nữ Anh đang hoạt động thể chất 30 phút mỗi ngày, chỉ 39% trong đó có được trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Ung thư tử cung chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trên 60 tuổi. Phổ biến nhất là nội mạc tử cung ảnh hưởng đến niêm mạc tử cung.

Kết quả này được các nhà nghiên cứu tại trường Imperial College London đối chiếu và xem xét tất cả các nghiên cứu khoa học có sẵn trên ung thư tử cung dựa trên chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và trọng lượng cơ thể kể từ năm 2007.


September 10, 2013

Bà lang và khu rừng với 200 vị thuốc hiếm

Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà lang có biệt tài chữa bệnh gan, thận, đại tràng, dạ dày… bằng lá rừng khô này vẫn còn rất nhanh nhẹn. Bà là Bùi Thị Chiên (74 tuổi), ở xóm Sáng Ngoài, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Sinh ra ở vùng đất miền sơn cước, từng cánh rừng, ngọn đồi, từng con suối với bà Chiên cũng thân quen như hơi thở của chính mình. Nhưng những bài thuốc nam với các vị thuốc quý giá từ thiên nhiên thì phải đến khi về làm dâu nhà ông Bạch Công Chính bà mới được học. Còn nhớ lần đầu tiên bà biết đến cây thuốc nam là khi đứa con trai nhỏ tuổi bị ốm, nhà ở xa trung tâm huyện, đường rừng đi lại khó khăn.

Theo lời mẹ chồng miêu tả, bà lên rừng tìm đủ vị thuốc về sắc cho con uống, vài ngày sau đứa con trai khỏi bệnh. Từ đó, mỗi khi trong nhà có ai đau yếu bà đều vào rừng tìm cây thảo dược đúng như bài thuốc gia truyền mà mẹ chồng hướng dẫn. Tuy biết nhiều về thuốc nam nhưng những năm đầu do chồng công tác xa nhà, một mình bà nuôi con nhỏ, công việc nương rẫy nhiều nên ít có thời gian để tâm đến các vị thuốc. Chỉ thỉnh thoảng người quanh làng, xã đến nhờ giúp thì bà mới bốc.

Lúc ngoài 40 tuổi, con cháu bắt đầu ổn định cuộc sống riêng thì bà mới có thời gian lần mò lại kiến thức mà năm xưa đã được mẹ chồng truyền dạy cho. Từ đó đến nay, với lòng nhiệt tình và tận tâm của mình, bà đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người, không đòi hỏi công xá, nên số bệnh nhân của bà mỗi năm lại tăng thêm khắp trong Nam ngoài Bắc.

Bà gọi những vị thuốc quý giá của mình bằng cái tên đơn giản là “lá rừng khô”. Cách trị bệnh của bà cũng rất đặc biệt không bắt mạch mà luôn dựa trên kinh nghiệm, chỉ cần bệnh nhân miêu tả triệu chứng bệnh là bà có thể bốc thuốc một cách chính xác, phần đa trong số đó là người mắc bệnh gan, đại tràng. Có bệnh nhân tên Nguyễn Thà người ở Đồi Him bị bệnh khô gan một lá bị bệnh viện trả về, nhưng bà vẫn cứu chữa được.

Với mong muốn được giúp đỡ nhiều người và để các bài thuốc quý không bị mất đi, bà Chiên còn đứng ra vận động một số chị em trong thôn biết trị bệnh bằng cây thuốc nam lập ra vườn thuốc quý hiếm. Thật khó tin, khi một khu vườn với hơn 200 cây thuốc được hình thành chỉ dựa vào sức lực của 7 bà cụ, mà người già nhất đã 80 tuổi, ngày ngày các cụ lên rừng tìm cây thuốc về trồng.

Riêng mình với chức danh chủ tịch hội người cao tuổi thôn, bà Chiên cùng chồng đã phải lặn lội nhiều nơi để tìm các giống thuốc hiếm. Hai cụ già ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, con cháu bận công việc, học hành, đã tự đi xe máy lên Yên Mông, Kỳ Sơn để tìm. Cây thuốc khôi nhung được xem là hiếm nhất trong hơn 200 cây thuốc, bà đã tự bắt xe ôtô lên Đà Bắc, tìm đến những ngọn núi cao, rậm rạp, vạch từng cây rừng, lội qua từng con suối mới tìm được vài cây giống ban đầu.

Lại có lần đi lấy thuốc tận rừng già ở Độc Lập phải ngủ qua đêm lại ở nhà con gái chứ không hề đơn giản. Với cây xạ đen, một vị thuốc quan trọng trong việc điều trị bệnh gan thì nhờ người lên vườn ươm trên thành phố đem về. Hiện nay, ngoài bà Chiên thì 6 người còn lại trong hội đều bốc thuốc trị bệnh miễn phí cho mọi người. Trong số đó, bà Bùi Thị Trỉ có biệt tài chữa bệnh sâu quảng và bệnh ung thư vú.

Bước sang tuổi 74, bà không một mình lên rừng được nữa mà phải nhờ con cháu chở xe máy đến khu rừng có thuốc, sau khi kiếm được đủ vị, bà lại gọi người lên gánh xuống núi và đưa bà về.

Điều đặc biệt, những bài thuốc nam gia truyền ở vùng núi này chỉ được các bà, các mẹ truyền cho con gái và con dâu, tuyệt nhiên trong xã không có bóng dáng một người đàn ông nào tham gia bốc thuốc. Nếu có biết thì đàn ông ở đây cũng chỉ tham gia ở công đoạn đi tìm thuốc trên rừng.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chọn lựa đất để ươm trồng những cây thuốc nam quý hiếm chính là khu “đồi Quan Âm”. Ngoài vị trí thuận lợi ngay gần đường thôn thì theo lời kể của các vị cao niên trong làng, trước kia trên đồi có một ngôi chùa lớn rất thiêng nhưng chiến tranh đã tàn phá mất, chỉ còn lại ngôi miếu nhỏ nhưng sự linh thiêng không hề thuyên giảm, vào ngày lễ tết rất đông người đến xin lộc.

Có lẽ nhờ được trồng trên ngọn đồi linh thiêng nên nhiều loại thuốc vốn ưa trồng trên những ngọn núi đá vôi cao hoặc trong các khu rừng nguyên sinh khi về đây hợp đất, phát triển rất tốt? Ai cũng tin rằng đất Quan Âm thiêng, lại được sự chăm sóc của những người phụ nữ có tâm nên cây thuốc ở đây tác dụng không thua kém gì những cây thuốc tìm được trong rừng già.

Suốt gần 30 năm bốc thuốc, vị thầy lang này luôn đặt chữ “Phúc” làm đầu. Vì thế, dù đã giúp đỡ được nhiều người nhưng bà không khi nào nhớ được chính xác tên tuổi những bệnh nhân của mình, trừ người ở gần nhà. Không thiếu những lần bà bỏ dở công việc đang làm trên nương hay trong bếp để vội vã đi tìm thuốc cho những khách phương xa đến xin thuốc. Có lần nửa đêm, một bệnh nhân ở xa khi tìm đến được nhà bà thì trời đã tối, bà dậy nấu cơm làm canh rồi cho thuốc trị bệnh, không lấy tiền.

Bà Chiên tâm sự: “Thấy người đi xa đến mà phải quay xe về tay trắng thì bà thương lắm. Đồng tiền không quan trọng bằng cái tình, có người bệnh khổ lắm, ốm yếu gầy còm mình giúp được thì phải giúp ngay. Bốc thế nào để người bị bệnh uống thuốc mình phải thuyên giảm”. Ai nhớ ơn thì ngày tết đến đem cho tấm áo, chiếc váy, hộp bánh…

Đang ngồi trò chuyện với chúng tôi, nhận được “đơn đặt hàng” qua điện thoại của một vị khách quen nhắn tìm giúp lá cây hối cho trẻ con tắm. Giữa trưa nắng gắt thương vợ sức yếu, chồng bà sau bữa cơm trưa đã không nghỉ ngơi, đi lên ngọn núi cách nhà cả chục cây để kịp gửi theo khách mang về trong ngày. Ông Chinh nói: “Trước kia, rừng còn nhiều cây thuốc, bệnh nhân cũng ít nên mỗi lần có người đến xin thuốc mới đi lấy, giờ đông hơn nên bà phải tích trữ thuốc nam bảo quản trong kho”.

Chúng tôi tìm đến anh Nguyễn Văn Toản, ngay cùng xã Đú Sáng, một bệnh nhân đã được bà điều trị. Anh Toản kể, ngày còn là thanh niên anh mắc bệnh thận và gan, đi tiểu ra máu, sức khỏe rất yếu, nhưng nhờ hai thang thuốc của bà Chiên mà anh đã khỏi hẳn bệnh. Hiện giờ, anh cùng vợ đang mở một quán ăn ngay trong xã, mỗi lần nhắc đến vị ân nhân của mình anh Toản luôn xúc động, cảm thấy mình may mắn gặp được đúng thầy đúng thuốc. “Mỗi năm tôi cũng đều đi bệnh viện khám lại, nhưng không thấy bệnh tái phát” – anh Toản nói.

Dù không một danh vị, nhưng người thầy lang của núi rừng này luôn tận tụy hết lòng với công việc làm phúc. Nhìn đôi bàn tay gầy guộc tỉ mẩn chọn lựa từng lá cây, phơi sạch, băm chặt của bà Chiên mới thấy được cái tâm giúp đời của bà thực sự rất lớn lao, chứ không hề giản đơn như câu nói chỉ là “vài cái lá rừng thôi mà”.

Khi nào cần ghép gan?

ThS.BS Hồ Tấn Phát, BV Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết hằng ngày bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca mắc bệnh gan mãn tính giai đoạn cuối bị biến chứng, cần được ghép gan.

Tuy nhiên, việc phẫu thuật ghép gan rất khó khăn mà không phải bệnh nhân nào cũng đủ khả năng đáp ứng như cần người hiến gan (người sống và phải là thân nhân của bệnh nhân hoặc người đã bị chết não), chi phí một ca ghép gan rất lớn (từ hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng)...

Có nhiều loại bệnh cần ghép gan nhưng có thể chia thành ba nhóm chính như nhóm bệnh gan cấp tính, nhóm bệnh gan mãn tính và nhóm bệnh ác tính của gan.

Viêm gan cấp do thuốc

Bệnh gan cấp tính thường gặp nhiều nhất là các trường hợp viêm gan cấp. Viêm gan cấp có thể diễn tiến rất nhanh, dẫn đến viêm gan tối cấp, suy gan cấp và tử vong. Bệnh này có nguyên nhân từ thuốc, siêu vi hoặc do một số bệnh lý ít gặp hơn như bệnh viêm gan tự miễn, bệnh Wilson... Riêng viêm gan cấp do thuốc thường gặp nhất là viêm gan cấp do uống paracetamol (đây là thuốc rất phổ biến và không cần kê toa), nếu bị viêm gan do uống thuốc này và diễn tiến nặng, bệnh nhân có thể tử vong nếu không được ghép gan kịp thời.

"Ghép gan là biện pháp sau cùng cho những bệnh nhân mắc bệnh gan không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Ghép gan trên thế giới đã thực hiện hơn 30 năm nay nhưng tại Việt Nam mới tiến hành ghép gan trong những năm gần đây. Ở các tỉnh phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM là bệnh viện đầu tiên ghép gan và đến nay mới phẫu thuật ghép gan cho ca thứ hai"

Tại khoa nội tiêu hóa - gan mật BV Chợ Rẫy, viêm gan cấp do thuốc thường gặp nhất là do thuốc kháng lao, vì nước ta có tỉ lệ người mắc bệnh lao khá cao so với nhiều nước trên thế giới. Bệnh nhân được cứu sống hay có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong tùy mức độ tổn thương của gan và thời điểm nhập viện. Viêm gan cấp tính còn có thể do nhiễm virút viêm gan B, virút viêm gan C, viêm gan tự miễn, bệnh Wilson (ứ đồng trong cơ thể)...

Xơ gan do rượu

Những bệnh nhân bị bệnh gan mãn tính giai đoạn cuối không còn khả năng điều trị cần được tiến hành ghép gan. Các nguyên nhân của bệnh gan mãn tính thường gặp là do nhiễm virút viêm gan B, virút viêm gan C, viêm gan ứ mật nguyên phát, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát, bệnh lý ứ sắt trong gan, bệnh lý hẹp đường mật.

Đa số trường hợp viêm gan mãn tính ở giai đoạn đầu không có triệu chứng, còn khi xuất hiện những triệu chứng như bụng có nước, vàng da, vàng mắt... là đã tiến triển vào giai đoạn nặng. Do đó, BS Hồ Tấn Phát khẳng định bệnh viêm gan mãn tính chỉ được phát hiện sớm khi người bệnh khám sức khỏe định kỳ. Với những trường hợp bị nhiễm virút viêm gan B, C không có biểu hiện viêm gan thì có thể chưa cần điều trị mà chỉ theo dõi định kỳ, còn những trường hợp đã có tổn thương ở gan cần điều trị càng sớm càng tốt.

Một bệnh gan mãn tính khác cũng thường gặp là bệnh xơ gan do rượu. Đây là những bệnh nhân có tiền sử uống nhiều rượu, bia và uống liên tục trong thời gian dài. Theo bác sĩ Tấn Phát, người trên 65 tuổi mỗi ngày chỉ được uống tối đa một chai bia, dưới 65 tuổi mỗi ngày uống tối đa hai chai bia, uống nhiều hơn mức này sẽ có nguy cơ bị xơ gan do rượu.

Ung thu gan nguyên phát

Bệnh gan ác tính cần ghép gan thường gặp nhất là ung thư gan nguyên phát. Bệnh chủ yếu là hậu quả của tình trạng nhiễm mãn tính virút viêm gan B và virút viêm gan C. Theo y văn, 80-90% trường hợp bị ung thư gan nguyên phát là do nhiễm virút viêm gan B mãn tính trước đó mà không điều trị hay điều trị không phù hợp hoặc phát hiện bệnh trễ, có cả những trường hợp được điều trị đúng vẫn không ngăn chặn được diễn tiến của bệnh.

Để không phải đi đến giải pháp cuối cùng là ghép gan, theo bác sĩ Hồ Tấn Phát, điều quan trọng nên chủ động phòng chống các bệnh gan, còn khi mắc bệnh cần phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh.

Cách phòng và phát hiện sớm các bệnh gan

Theo BS Hồ Tấn Phát, trẻ sơ sinh cần được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong đó có chích ngừa viêm gan siêu vi B. Virút viêm gan C vẫn chưa có thuốc chủng ngừa. Những người lớn vì lý do nào đó chưa từng được chích ngừa cần xét nghiệm, kiểm tra đầy đủ các chỉ số về virút viêm gan B. Qua các chỉ số này sẽ biết được bản thân có bị nhiễm virút viêm gan B hay không. Nếu chưa chích ngừa và chưa bị nhiễm virút viêm gan B thì nên chích ngừa. Khi kiểm tra sức khỏe định kỳ nên kiểm tra cả virút viêm gan C vì đa số chỉ kiểm tra virút viêm gan B.

Virút viêm gan B và C đều có thể lây qua đường máu, đường tình dục, lây từ mẹ sang con (đặc biệt là virút viêm gan B) hoặc qua đường tiêm chích. Trước khi kết hôn, hai người nên xét nghiệm tầm soát virút viêm gan B và C để có biện pháp phòng ngừa lây bệnh cho vợ hoặc chồng. Ngoài ra, cần hạn chế uống rượu bia, không dùng những loại thuốc có hại cho gan, đặc biệt là những loại thuốc lạ. Khi mắc bất kỳ bệnh gì cũng phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nên ăn đạm thực vật, rau, trái cây và có chế độ vận động hợp lý. Không để cơ thể tăng cân nhiều vì dễ dẫn đến tình trạng tích tụ mỡ trong gan.

Với những người đã mắc bệnh gan mãn tính, tuyệt đối không được uống rượu, bia và cần ăn chế độ ăn ít muối. Ngoài ra, người mắc bệnh gan cần chú ý mỗi khi uống thuốc, đặc biệt với những loại thuốc không cần kê toa như Paracetamol...