September 25, 2013

Bệnh thường gặp ở gan và cách chăm sóc gan khỏe mạnh

Chăm sóc gan bao gồm việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và tránh những thứ gây hại cho gan.

Gan là bộ phận có "nhiệm vụ" giải độc cho cơ thể. Gan có tác dụng làm đông máu nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu trong trường hợp cơ thể bị thương, viêm nhiễm. Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình giúp cơ thể tiêu hóa, trao đổi chất và sản xuất ra những enzym cần thiết cho cơ thể. Ngoài những chức năng trên, gan còn là nơi giúp máu được lưu thông khắp cơ thể. Gan giúp vận chuyển và hấp thu thức ăn. Gan giúp ổn định cảm xúc trong con người bạn (sự tức giận, trầm cảm và lo âu, căng thẳng)… Chăm sóc gan bao gồm việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và tránh những thứ gây hại cho gan.
Rối loạn gan là một vấn đề rất phổ biến mà nhiều người mắc phải. Thông thường phải qua xét nghiệm máu thì người bệnh mới phát hiện ra gan của mình bị suy giảm chức năng. 

Dưới đây là những bệnh thường gặp về gan:

1. Hội chứng gan nhiễm mỡ

Đây là loại rối loạn gan rất hay gặp trong cuộc sống hiện đại. Nguyên nhân phát sinh thường do ăn uống không hợp lý, béo phì, tâm lý căng thẳng, sự thay đổi lối sống quá nhanh, gặp nhiều khó khăn. Tất cả những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan và gây ra hội chứng gan bị suy yếu, gan nhiễm mỡ.

Những người bị hội chứng gan nhiễm mỡ có thể gặp các triệu chứng sau đây: đau cứng cổ và vai, nhức đầu thường xuyên, đau nửa đầu, đau ở vùng bụng, dễ chóng mặt, thiếu năng lượng, mất ngủ, trầm cảm, căng thẳng, rất dễ xúc động, dễ khó chịu, đau bụng hành kinh, cholesterol cao, gan nhiễm mỡ, hội chứng ruột kích thích, vấn đề tuyến giáp, viêm màng dạ con,…

2. Nóng gan

Đây là loại rối loạn gan do quá nhiều nhiệt sinh ra trong gan, gây ảnh hưởng tới chức năng gan. Các nguyên nhân phổ biến của nhiệt gan là: căng thẳng lâu dài, ăn thức ăn nóng và cay, uống quá nhiều rượu,…

Những người này có thể gặp các triệu chứng sau đây: đỏ mặt, cơ thể nóng, hay hồi hộp, mất ngủ, mơ nhiều, ngủ không sâu, táo bón hoặc đi tiêu chậm chạp, đầy hơi trong bụng, đầy hơi có mùi, ợ nóng, trào ngược axit, khó chịu, kinh nguyệt không đều (chu kỳ thường ngắn hơn) ở phụ nữ và xuất tinh sớm ở nam giới, huyết áp cao, hội chứng ruột kích thích…

3. Suy gan dẫn đến viêm gan

Gan hỗ trợ lưu thông máu toàn cơ thể. Khi nồng độ sắt thấp, gan sẽ bị suy. Triệu chứng viêm gan: khô, rát hoặc ngứa mắt, móng tay trở nên mỏng và dễ gãy, tóc khô, yếu và mỏng và rơi ra dễ dàng, da khô, cứng khớp, mất ngủ, giấc ngủ không sâu (thức dậy suốt đêm), thiếu năng lượng và kinh nguyệt ở phụ nữ thất thường.

Tăng cường sức khỏe cho gan

Y học Trung Quốc truyền thống tin rằng các rối loạn gan sẽ không xuất hiện nếu như bạn có được một lối sống lành mạnh. Hầu hết các rối loạn gan có thể được trị dứt điểm, đặc biệt là ở giai đoạn sớm, điều trị đúng và thường xuyên, vì vậy, bạn cần duy trì sức khỏe của gan thật tốt.

  -  Thường xuyên đi khám sức khỏe định kì để phát hiện ra bệnh sớm, trong đó có cả các bệnh về gan.

  -  Cân bằng cuộc sống của bản thân, giảm tải công việc, chú ý tới sức khỏe của bản thân.

  -  Tập thể dục rất quan trọng trong việc giảm rối loạn gan, tuy nhiên, bạn không nên tập thể dục nặng và quá sức. Bạn nên tập thể dục những bộ môn nhẹ nhàng với ba mươi phút mỗi ngày: bơi lội, yoga, đi xe đạp, nhảy múa với âm nhạc nhẹ nhàng mềm mại… Nếu có thể, tốt nhất là bạn nên thể dục ở ngoài trời là tốt hơn cả.

  -  Điều chỉnh chế độ ăn uống: Có nhiều loại thực phẩm giúp chức năng gan được phục hồi: cần tây, cà rốt, rau mùi, trà xanh, trà hoa cúc, trà bạc hà, cam, chuối, chanh…

  -  Bất cứ loại thuốc nào cũng cần dùng theo chỉ định của bác sĩ, tránh dùng quá liều.

  -  Tránh uống nhiều rượu.

September 24, 2013

Hơn 1.100 người sống sót sau sự kiện 11/9 mắc bệnh ung thư

Hơn 1100 người sống sót sau sự kiện 11/9/2001 gần khu vực hai tòa tháp đôi đổ sụp được báo cáo đã nhiễm bệnh ung thư, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết.

Sự kiện khủng bố 11/9/2001 đã trôi qua 12 năm nhưng những hậu quả mà nó mang lại vẫn kéo dài tới tận ngày nay. Theo những số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết đã có hơn 1100 người sống sót sau sự kiện 11/9 mắc bệnh ung thư.

Reggie Hilaire là một cảnh sát địa phương đã được điều tới hỗ trợ tại nơi tòa tháp đôi ở Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) đổ sụp sau hai giờ bị máy bay đâm phải. 11 ngày làm việc trong khu vực là khoảng thời gian mà Hilaire đều không sử dụng mặt nạ. Năm 2005, Hilaire được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu ở mức độ nguy hiểm và được điều trị bởi chương trình chăm sóc sức khỏe của WTC.

Khoảng 1140 người khác cũng đã được điều trị ung thư bơi chương trình này dưới sự tổ chức của Viện Sức khỏe và An toàn lao động Quốc gia. Những số liệu thống kê này chỉ mới được tiết lộ thời gian gần đây trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ của những người sống sót và làm việc gần khu vực trong đống đổ nát của WTC.

Năm ngoái Cơ quan Y tế Liên bang Mỹ đã thống kê được 58 loại bệnh ung thư do những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố 11/9 mắc phải. Các chuyên gia cho rằng có hàng trăm hợp chất hóa học gây ra ung thư đã bao trùm trong khu vực ít nhất 60 ngày. Khói độc từ phần nhiên liệu máy bay bị cháy hay do những tác động từ đống đổ nát từ lâu đã được các nhà nghiên cứu cảnh báo có thể gây ra bệnh ung thư.

Các nhà khoa học cũng lo ngại số lượng khói bụi khổng lồ mà những người sống sót và làm việc trong khu vực đổ nát hít phải cũng sẽ gây ra những di chứng về sau này. Một số nghiên cứu cho thấy những người làm việc thường xuyên tại khu vực WTC sụp đổ có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn tới 19% so với những người không làm việc trong khu vực.

Chi phí bồi thường và hỗ trợ cho hàng nghìn người mắc bệnh ung thư trong sự kiện 11/9 được dự kiến vào khoảng 14,5 triệu USD và 33 triệu USD. Tuy nhiên những khoản bồi thường cũng sự san sẻ được phần nào với những nạn nhân không được sự hỗ trợ của bảo hiệm Y tế. Ông Hilaire cho rằng số người mắc bệnh ung thư chắc chắn nhiều hơn con số 1140 và chỉ có thời gian mới có thể trả lời chính xác những hậu quả sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký dự luật hỗ trợ 4,2 tỷ USD vào năm 2011 sau vụ một sĩ quan cảnh sát New York chết do một căn bệnh hô hấp nhiễm phải trong quá trình làm việc gần khu vực tòa tháp WTC sụp đổ. "Những người đủ các tiêu chí và bảo hiểm sẽ được ưu tiên được hưởng những khoản tiền đền bù đầu tiên", theo Viện Sức khỏe và An toàn lao động Quốc gia Mỹ.


Dùng phóng xạ nội y trong điều trị ung thư gan

Nguồn xạ sẽ được đưa vào từ đường tĩnh mạch ở háng để đến tĩnh mạch gan nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Tại Hội nghị phẫu thuật Châu Á lần thứ 19 được tổ chức tại Singapore, phóng viên Hà nội mới điện tử đã có dịp phỏng vấn Giáo sư Pierce Chow Kah Hoe, chuyên gia phẫu thuật gan mật và là giảng viên ĐH Duke - NUS, Singapore về phương pháp điều trị ung thư gan mới này.

Theo giáo sư Chow, hiện một số nước, vùng lãnh thổ như Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông... đã đưa vào áp dụng phương pháp trên để điều trị ung thư gan .

Trước đây, ung thư gan thường được coi như một bản án tử hình. Nếu ai đó được chẩn đoán bị ung thư gan thì họ chỉ còn biết sống trong tuyệt vọng. Tuy nhiên, hiện nay, y học đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này và đã có phương pháp điều trị hiện đại, mang đến hy vọng cho những người bị ung thư gan.

Phương pháp phóng xạ nội y - đưa nguồn xạ vào từ đường tĩnh mạch ở háng để đến tĩnh mạch gan nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, có thể giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.Phương pháp này áp dụng cho những trường hợp ung thư còn khu trú ở gan (chưa di căn), những bệnh nhân không thể phẫu thuật được.

Nói rõ hơn về thuyết phóng xạ nội y, Giáo sư Chow cho biết, khoảng 20.000-30.000 khối cầu rất nhỏ chứa yttrium sẽ được đưa vào từ đường tĩnh mạch ở háng để đến tĩnh mạch gan, tìm đường đến các khu vực mà khối u khu trú.



Các khối cầu nhỏ này, mỗi khối có kích thước chỉ bằng khoảng 1/3 đường kính của một sợi tóc, nhắm mục tiêu vào các khối u trong gan và phá hủy nó. Tuy nhiên, thuyết điều trị mới này ảnh hưởng bất lợi đến cả các khối u lẫn những mô lân cận. Vì vậy, phóng xạ từ máy sẽ là "một ý tưởng tồi" cho một người bị ung thư gan mà không chỉ toàn bộ gan, mà cả dạ dày sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót theo phương pháp điều trị mới này cao hơn nhiều so với những phương pháp cũ.

Nếu ung thư gan lan tới những khu vực khác, theo Giáo sư Chow, khi đó, hóa học trị liệu với thuốc sorafenib có thể là câu trả lời.

Để đối phó với những khối u nhỏ khoảng 3cm hoặc nhỏ hơn và không quá 3 khối u như vậy trong gan, Giáo sư Chow đề nghị dùng phương pháp cắt bỏ bằng tần số vô tuyến, cho kết quả tăng tuổi thọ thêm 10 năm với những bệnh nhân này. Các sóng tần số vô tuyến đi qua một thiết bị vào trong khối u làm nhiệt độ tăng lên, giúp phá hủy khối u. Dĩ nhiên, để điều trị đạt kết quả tốt nhất, việc phát hiện khối u càng sớm càng tốt.

Giáo sư Chow cho biết, ung thư gan nguyên phát khởi đầu từ viêm gan siêu vi, trong đó châu Á có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn châu Âu. Còn ung thư gan thứ phát bắt nguồn từ một bệnh ung thư ảnh hưởng đến phần khác của cơ thể và lây lan đến gan. Nhưng tại hầu hết các vùng châu Á, ung thư gan nguyên phát thường phổ biến hơn và cũng gây khó khăn hơn trong điều trị.

Vì vậy, theo Giáo sư Chow, phòng chống viêm gan B sẽ là cách tốt nhất để phòng chống ung thư gan. Trẻ em có thể mắc bệnh từ cha mẹ bị nhiễm bệnh và lối thoát duy nhất trong trường hợp này là tiêm phòng.


Ung thư ở trẻ em khác gì người lớn?

Chớ nghĩ rằng, ung thư chỉ xảy ra ở người lớn. Ung thư còn xảy ra ở trẻ em.

Theo ghi nhận của các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM), khác với ung thư xảy ra ở người lớn (thường xuất phát từ những vị trí cơ thể tiếp xúc với môi trường xung quanh), ung thư ở trẻ em chủ yếu xuất phát từ các lớp trung mô, tế bào chưa trưởng thành và tăng sinh rất mạnh. So với ung thư ở người lớn, ung thư ở trẻ em hiếm gặp hơn, nhưng ung thư ở trẻ em diễn tiến nhanh, lan tràn sớm.

Ngoài ra, ung thư ở trẻ em còn có một số đặc điểm khác với người lớn đó là: 50% trường hợp ung thư ở trẻ là ung thư ở hệ tạo huyết, 50% ung thư bướu đặc. Có nhiều loại ung thư thường xảy ra ở trẻ, nhưng hiếm gặp ở người lớn như: bướu nguyên bào (gan, thận, thần kinh, võng mạc...). Ngược lại, những ung thư thường gặp ở người lớn lại ít xảy ra ở trẻ em như: ung thư phổi, ung thu gan, cổ tử cung, vú...

Những ung thư thường gặp ở trẻ em

Theo khảo sát của Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) thì, đứng đầu ung thư ở trẻ em là bệnh bạch cầu cấp (chiếm khoảng 30%), kế đến là bướu ở hệ thần kinh trung ương (chiếm khoảng 18%), các bệnh lymphôm (12%), bướu nguyên bào thần kinh (chiếm 8%), bướu Wilms - là bướu nguyên bào thận (chiếm 6%)...

Ung thư buồng trứng dù hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em (hay gặp ở trẻ gái từ 11-15 tuổi), chiếm khoảng 1% trong các loại ung thư ở trẻ dưới 15 tuổi. Triệu chứng thường gặp là đau bụng và xuất hiện bướu ở ổ bụng.

Còn theo khảo sát của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho thấy, ung thư tuyến giáp chiếm tỷ lệ 0,5-3% bệnh lý ác tính ở trẻ em và chiếm 7% số trường hợp ung thư vùng đầu cổ ở trẻ, bệnh thường gặp ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai (với tỷ lệ 2:1), bệnh thường xảy ra ở lứa tuổi 7-12 tuổi. Cũng theo khảo sát của Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM), ung thư trẻ em chiếm khoảng 2,3%, trong số những bệnh nhân ung thư đến chữa trị tại bệnh viện. Còn tại Mỹ, hằng năm có từ 7.500-8.000 trường hợp trẻ mắc bệnh ung thư, riêng số trẻ tử vong do bệnh này là 1.600-2.000 trẻ/năm.

Do ung thư ở trẻ em có những đặc điểm khác người lớn, nên đòi hỏi bác sĩ cần lưu ý một số đặc điểm khi chữa trị. Ngày nay nhờ tiến bộ của y học, việc áp dụng chữa trị ung thư bằng đa mô thức, cũng như những tiến bộ về phẫu thuật nhi, vận dụng hợp lý các phương thức điều trị... nên có sự cải thiện đáng kể về kết quả chữa trị các loại bệnh như: bệnh bạch cầu lymphôm cấp, bướu Wilms, bướu xương, bướu nguyên bào thần kinh và một số bướu ở hệ thần kinh trung ương. Nếu trẻ được phát hiện bệnh sớm, cộng với việc phối hợp điều trị đa mô thức thích hợp, đầy đủ, thì khoảng 70-75% các trường hợp ung thư ở trẻ em sẽ có cơ may trị khỏi.

Xạ trị là "vũ khí" hiệu quả trong điều trị nhiều loại ung thư ở trẻ em. Tuy nhiên, khi đứng trước một bệnh nhi mắc bệnh ung thư có chỉ định xạ trị, các bác sĩ luôn cân nhắc, phân vân giữa một bên là hiệu quả điều trị và một bên là những biến chứng muộn do việc xạ trị gây ra. Bởi, các biến chứng và di chứng trên một cơ thể trẻ đang phát triển, chưa kể những ung thư thứ hai xuất hiện về sau bởi ảnh hưởng của xạ trị...


7 thủ phạm gây ung thư gan

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu từ trước tới nay, ung thư gan phát sinh chủ yếu do 7 nguyên nhân sau.

1. Nguồn nước ô nhiễm. Chất lượng nước uống bị ô nhiễm nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra ung thư gan. Đặc biệt là nước mương, tiếp đó đến nước sông, nước giếng mức ô nhiễm thấp nhất. Vì vậy tại các nông thôn chưa có hệ thống xử lý nước thì nên khuyến khích mọi người sử dụng nước giếng.



2. Viêm gan do virut. Chủ yếu là viêm gan B và viêm gan siêu vi C, đặc biệt là người mắc bệnh viêm gan B và mang trong người virut viêm gan B, tỷ lệ mắc ung thư gan nguyên phát ở những bệnh nhân viêm gan B cao hơn bình thường từ 2 đến 10 lần. tại các vùng có tỷ lệ ung thư gan cao, ước tính có 20% số bệnh nhân là bị viêm gan B hoặc trong cơ thể có nhiễm virut viêm gan B.



3. Độc tố aflatoxin trong thực thẩm mốc. Aflatoxin B là chất chủ yếu gây ung thư, thích hợp sinh trưởng trong môi trường nhiệt độ cao, khí hậu nóng ẩm. Đặc biệt trong các nguyên liệu, ngũ cốc và thực phẩm bị meo mốc...dễ sinh ra độc tố aflatoxin, việc thường xuyên sử dụng những thực phẩm nhiễm độc tố aflatoxin chính là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra ung thư gan.



4. Hóa chất gây ung thư. Các chất hóa học có thể gây ra ung thư gan chủ yếu là hợp chất có chứa N-nitroso, ví dụ như nitrosamine và nitramide. Ngoài ra, trong thuốc trừ sâu, rượu, xá xị...cũng chứa các chất gây ung thư.



5. Đột biến gen. Còn có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của sự đột biến về môi trường có tác dụng đến virut gây kích thích tế bào gan phân chia phản ứng hoạt hóa, gây ra sự đột biến tế bào và chuyển vị gen, những nhân tố này có thể cũng là nguyên nhân khiến cho tế bào gan sinh sản nhanh hơn.



6. Hệ miễn dịch. Có nhận định cho rằng trong máu của bệnh nhân ung thư gan có chứa một loại nhân tố đóng, có thể ức chế các tế bào miễn dịch và vảo vệ tế bào ung thư gan khỏi sự sát thương của tế bào miễn dịch. Nghiên cứu đã chứng minh, alpha-fetoprotein (AFP) có khả năng ức chế thực bào đối với tế bào lympho và đại thực bào.



7. Các nhân tố khác. Quá nhiều dinh dưỡng (lượng dinh dưỡng quá lớn) hoặc thiếu dinh dưỡng (như thiếu vitamin A, B1), bệnh nhiễm sắc tố sắt mô, lây nhiễm ký sinh trùng và yếu tố di truyền...cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh ung thư gan.