June 18, 2013

Ngân hàng tế bào gốc máu cuống dây rốn tại Việt Nam

Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết, máu cuống rốn là một nguồn nguyên liệu rất qúy. Sau khi được thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và bảo quản, nó sẽ phục vụ điều trị các bệnh cần ghép tế bào gốc như: suy tủy, ung thư máu, ly thượng bì bọng nước, thalassemia và nhiều bệnh lý ác tính về máu... Các bệnh này hiện chưa có cách điều trị hiệu quả hoặc chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn. Ghép tế bào gốc tạo máu là biện pháp điều trị hoàn chỉnh cứu sống những bệnh nhân này.

Sau thời gian ngắn thành lập, ngân hàng máu cuống rốn đầu tiên tại miền Bắc đã trữ được hơn 200 mẫu. Nhờ nguồn “vốn” này sẽ có nhiều trẻ mắc các bệnh hiểm nghèo như suy tủy, ung thư máu, thalassemia… được chữa khỏi.


Sau khi tư vấn và được sự đồng thuận của cha mẹ trẻ sơ sinh, các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm cho mẹ từ lúc mang thai, lấy các thông tin về trẻ, xét nghiệm mẫu, loại trừ các mẫu nhiễm khuẩn, virus, xác định kiểu HLA (kiểu kháng nguyên bạch cầu) rồi lưu các dữ liệu này trong một phần mềm. Mẫu đạt yêu cầu sẽ được bảo quản trong điều kiện nghiêm ngặt và có thể giữ được khoảng 10-15 năm.

Bác sĩ Điển cho biết, máu cuống rốn sẽ được lấy ở khu vực bánh nhau dây rốn, ngay khi trẻ chào đời. Việc này không ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn bé và có thể giúp ích rất lớn cho chính chủ nhân, người thân của họ và cộng đồng, như một thứ thuốc chữa bệnh nan y.

Theo bác sĩ Điền, hiện Bệnh viện Nhi trung ương đang phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiến hành việc này. Do tâm lý sợ cho những thứ thuộc về thân thể, nhất là của con, ban đầu, nhiều sản phụ còn e ngại việc cho bác sĩ lấy mẫu máu cuống rốn trẻ. Nhưng sau khi được tư vấn, không ít chị em đã ủng hộ việc này.

Trước đó, ở nước ta đã có hai ngân hàng máu cuống rốn ở TP HCM là Bệnh viện Truyền máu, huyết học TP HCM và Ngân hàng tế bào gốc MekoStem. Việc có thêm một ngân hàng máu cuống rốn tại Bệnh viện Nhi trung ương (ra đời cuối năm ngoái), sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của người dân miền Bắc muốn được lưu trữ mẫu máu cuống rốn và tăng “nguồn vốn” chữa bệnh quý, giúp nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội được chữa trị.

"Mẫu máu cuống rốn khá kén đối tượng dùng, vì phải đảm bảo yêu cầu hòa hợp HLA. Vì thế số ngân hàng này càng nhiều, 'vốn' càng phong phú thì khả năng liên kết giữa các đơn vị để trao đổi mẫu với nhau càng lớn khiến tỷ lệ tìm được sự hòa hợp mẫu càng cao, giúp nhiều người được cứu hơn. Vì lý do này, việc lưu trữ máu cuống rốn vô cùng nhân văn, thể hiện tính cộng đồng, mình vì mọi người và mọi người vì mình", tiến sĩ Điển nói.

No comments:

Post a Comment