September 20, 2013

Nước cam tốt nhưng không nên uống quá nhiều

Nước cam có nhiều tác động tích cực trong việc phòng chống ung thư nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao có nguồn gốc từ chất flavonoids như như hesperitin và nariginin. Nhưng nếu sử dụng quá mức lại làm phát sinh nguy cơ mới.



Bằng chứng từ những nghiên cứu in vitro (trong ống nghiệm) trước đó đã chỉ ra rằng nước cam có khả năng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em, cũng như hỗ trợ trong các phản ứng hóa sinh ngăn chặn ung thư vú, ung thư gan và ung thư ruột kết.

Tác dụng sinh học của nước cam trong thí nghiệm bị ảnh hưởng chủ yếu bởi thành phần mà phụ thuộc lớn vào điều kiện nuôi trồng như khí hậu, đất, quá trình tạo quả và các phương pháp sau thu hoạch, lưu trữ.

Những nghiên cứu tiếp theo được nhấn mạnh nhằm tìm ra mối liên hệ sinh học giữa nước cam và phản ứng ngăn ngừa ung thư. Các vấn đề như loại cây trồng và số lượng tiêu thụ cũng sẽ được làm rõ. Nhìn chung, các bài báo đều đi đến một điểm chung về một số tác dụng sinh học của nước cam trong việc tăng cường các phản ứng hóa học, bao gồm chống oxy hóa, kháng đột biến, tự vệ, hormone và các hiệu ứng điều chỉnh tín hiệu tế bào. Nước cam có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus cũng như điều chỉnh sự hấp thu xenobiotics.

“Nước cam có thể đóng góp vào phản ứng ở bất cứ giai đoạn nào một khi quá trình ung thư bắt đầu phát triển,” các nhà nghiên cứu giải thích

“Một trong những công dụng sinh học nổi bật nhất của nước cam là khả năng kháng đột biến, vốn biểu hiện rõ trong môi trường tế bào cũng như động vật gặm nhấm và con người.”

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận độc tính tiềm tàng trong nước cam nếu sử dụng quá mức, nhất là đối với trẻ em, người huyết áp cao, suy thận và bệnh nhân tiểu đường. Các cá nhân thuộc các nhóm này nếu uống quá nhiều nước cam, có thể gây ra phản ứng độc hại như tăng kali máu, cũng như liên quan mật thiết với dị ứng thực phẩm và bùng phát vi khuẩn (trong trường hợp chưa được tiệt trùng.)

“Ăn quá nhiều thức ăn, thậm chí là thức ăn bổ dưỡng, đều có thể dẫn đến trạng thái mất cân bằng ô xy hóa,” các nhà nghiên cứu viết.

Bệnh nhân ung thư nên ăn kiêng?

Kết quả một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cancer Cell (Mỹ) gần đây cho thấy, việc các bệnh nhân ung thư uống dầu cá có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của liệu pháp hóa trị.

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y khoa Trường Đại học Utrecht (Hà Lan) phát hiện, các loại axít béo omega-3 và omega-6 được tìm thấy trong các loại cá dầu như cá thu, cá hồi hoặc cá mòi có thể khiến các tế bào ung thư trở nên khó bị tiêu diệt khi thực hiện liệu pháp hóa trị cisplatin.

Các nhà nghiên cứu cho biết, cisplatin là một liệu pháp hóa trị phổ biến, được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân ung thư nhằm chống lại quá trình tiến triển của các thể ung thư, bao gồm ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư buồng trứng, ung thư bàng quang và ung thư thực quản.

Thông thường, các khối u sẽ giảm kích cỡ khi tiếp xúc với hóa chất cisplatin. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, các khối u ở những con chuột thử nghiệm trở nên vô cảm với liệu pháp hóa trị cisplatin khi chúng được cung cấp dầu cá vào chế độ ăn hàng ngày.

Giáo sư Emile Voest, bác sĩ chuyên khoa ung thư thuộc Trung tâm Y khoa Trường Đại học Utrecht, người chủ trì cuôc nghiên cứu, cho biết, các bệnh nhân ung thư đang được điều trị bằng liệu pháp hóa trị cisplatin không nên ăn cá dầu, hoặc uống thành phần bổ sung dầu cá cho đến khi tiến hành các cuộc nghiên cứu xa hơn để làm sáng tỏ vấn đề này.

Jessica Harris, người chịu trách nhiệm về các thông tin y tế tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Anh, khuyến cáo: “Các bệnh nhân ung thư đang uống dầu cá hoặc có ý định uống dầu cá nên trao đổi với các bác sĩ xem liệu việc đó có ảnh hưởng đến kết quả hóa trị hay không”.

Xã có trên 50 người chết vì căn bệnh ung thư ở Quảng Bình

Nhiều năm trở lại đây, người dân xã miền núi Xuân Trạch, huyện Bố Trạch hết sức hoang mang khi số người mắc bệnh và chết do ung thư ngày càng tăng cao. Dù đã có đoàn kiểm tra về lấy mẫu nước, đất đưa đi xét nghiệm, nhưng cũng chưa tìm ra nguyên nhân.

Căn bệnh quái ác này đang khiến người dân nơi đây vô cùng lo sợ, hàng chục trường hợp đã chết, nhiều người cũng đang “sống dở, chết dở”!

Theo thông tin UBND xã Xuân Trạch và Trạm Y tế cung cấp, số bệnh nhân mắc bệnh và chết vì ung thư tập trung nhiều nhất ở các thôn thuộc khu vực Khe Gát (thôn 3, thôn 4, thôn 5), nơi đặt sân bay quân sự thời chiến tranh.

Nói về căn bệnh ung thư đang ngày ngày hành hạ người dân ở xã nhà, anh Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng thôn 4, xã Xuân Trạch, nhẩm tính rồi bắt đầu liệt kê ra những cái chết thương tâm mà người thân của họ cũng chỉ biết bệnh phát tác trong thời gian ngắn.

Theo anh Thắng, hầu như năm nào cũng có người dân trong thôn bị mắc và chết vì bệnh ung thư. Trong 5 năm trở lại đây, tại thôn 4 đã có 10 người mắc bệnh, trong đó có 7 người chết vì ung thư.

Đầu tiên là ông Nguyễn Tiến Hành, cán bộ ngân sách xã chết vì bệnh ung thư dạ dày. Sau đó là ông Hoàng Nhạn cũng chết vì căn bệnh ung thư quai hàm. Đặc biệt hơn là trường hợp của ông Hồ Thọ, chết vì bệnh ung thư gan khiến nhiều người dân trong thôn hết sức e ngại và đặt ra nhiều nghi vấn. Ông Thọ trước đây là dân quân du kích trực chiến bảo vệ địa phương thời chống Mỹ. Đội du kích của ông có 4 người thì hiện nay cả 4 người đều đã chết vì căn bệnh ung thư.

Trong số những người dân bị chết vì ung thư tại thôn 4 còn có ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên là Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch. Bà Nguyễn Thị Cánh (vợ ông Bình) cho hay, lúc còn sống ông Bình rất ít đau ốm nhưng sau khi phát bệnh, gia đình đưa đi bệnh viện khám thì phát hiện ông bị ung thư gan giai đoạn cuối, 8 tháng sau thì mất.

Được biết, sau ông Bình thì ông Nguyễn Thế Vinh, từng Chủ tịch UBND xã cũng chết vì căn bệnh ung thư thanh quản. Gần đây nhất, ông Nguyễn Phương Thảo, Chủ tịch Hội nông dân xã cũng chết vì ung thư gan. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp khác ở thôn 4 cũng bị chết vì các bệnh ung thư phổi, ung thư gan, ung thư máu…

Ông Lê Minh Phúc, Trưởng thôn 5, hoang mang: “Người dân trong thôn cũng không biết nguyên nhân tại sao mà lần lượt người này đến người khác đều mắc và chết vì bệnh ung thư. Nhiều người tỏ ra lo ngại vì khu vực Khe Gát từng là nơi đặt sân bay quân sự hồi chiến tranh. Trước đây cũng đã có 2 xe ô tô chở hóa chất bị bốc cháy tại địa phương.

Rất có thể số hóa chất nói trên đã ngấm vào trong đất và nguồn nước nên người dân mới mắc bệnh nhiều đến thế. Nhưng cũng từng có đoàn kiểm tra về đây lấy mẫu nước, đất đưa đi xét nghiệm và sau đó kết luận không phát hiện ô nhiễm. Người dân chúng tôi hết sức lo lắng vì căn bệnh quái ác cứ hiển hiện trong đời sống”.

Theo nhẩm tính của ông Phúc thì trong 5 năm gần đây, riêng thôn này cũng có trên 10 người chết vì căn bệnh ung thư gan, phổi, máu, dạ dày… và hiện tại 3 trường hợp khác cũng đang mắc bệnh, chưa biết còn sống được bao lâu.

Đâu là nguyên nhân chính?

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trạm Y tế xã Xuân Trạch, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây cũng đã có trên 20 người dân xã này đã chết vì mắc phải các căn bệnh như: ung thư phổi, ung thư gan, ung thư máu, ung thư dạ dày, đại tràng… và hàng chục trường hợp khác đang mắc bệnh. Còn những năm trước đó, theo ước tính cũng lên tới vài chục người.

Anh Nguyễn Thanh Tâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Trạch, cho hay: “Không biết nguyên nhân vì đâu mà số người chết vì căn bệnh ung thư trên địa bàn xã cứ ngày một tăng cao. Hầu hết các bệnh nhân chỉ phát hiện ra bệnh sau khoảng 1 tháng là chết”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Huy, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết, trước những nghi ngại của người dân về số người chết vì bệnh ung thư ngày càng tăng cao do bị nhiễm hóa chất và nguồn nước bị ô nhiễm, chính quyền xã đã gửi đơn kiến nghị lên Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh để có phương án xử lý.

Theo đó, năm 2005, đã có đoàn kiểm tra trực tiếp về xác minh, lấy mẫu đất, nước đưa đi kiểm nghiệm xem có chứa chất gây ung thư hay không. Sau đó, đoàn kiểm tra cũng đã có kết luận rằng không có chất gây ung thư.

Ông Huy cũng cho rằng, nếu nói nguyên nhân dẫn đến ung thư là do nguồn nước bị ô nhiễm thì không đúng, bởi người dân đã được đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch, đối với nguồn nước tự chảy từ khe Trổ cũng đã qua xử lý.

Trong số rất nhiều nghi ngại được đưa ra thì hiện vẫn chưa xác định được đâu là nguyên nhân chính. Và người dân vẫn đang từng ngày đối diện với căn bệnh ung thư quái ác. Đã thế, mới đây việc Chi nhánh Lâm trường Bố Trạch (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công Nghiệp Bắc Quảng Bình) sử dụng hóa chất diệt cỏ để xử lý thực bì vùng rừng đầu nguồn càng dấy lên nhiều lo ngại cho người dân địa phương.


September 19, 2013

Bỏ 1,3 tỷ để trẻ mãi không già

Các nhà khoa học đã khám phá ra cách đông lạnh các tế bào da của người trưởng thành để chúng không bị lão hóa, giúp chúng ta trẻ mãi không già. Một lần thực hiện kỹ thuật mới này dự kiến tiêu tốn gần 63.000 USD, tương đương khoảng 1,3 tỉ đồng tiền Việt.

Kỹ thuật mang tính tiên phong trên sẽ được sử dụng như một phương pháp làm đẹp mới kể từ hôm nay, mặc dù các nhà nghiên cứu hy vọng nó cũng có thể được dùng để giúp những người bị biến dạng hoặc tổn thương mặt.

Phương pháp lưu giữ nét thanh xuân mới được cho là chỉ phù hợp với những nhân vật nổi tiếng và người giàu vì khá đắt đỏ, lên tới gần 63.000 USD cho một lần thực hiện. Quá trình bao gồm việc trích lấy các mẫu máu và da từ bệnh nhân để lưu trữ, nhằm tạo một phiên bản "sao lưu dự phòng" của các tế bào đông lạnh ở độ tuổi hiện tại của chủ thể.

Các mẫu tế bào sau đó được thao túng để trở thành những tế bào gốc, có khả năng phát triển thành mọi loại mô trong cơ thể. Chúng được lưu giữ ở nhiệt độ -180 độ C và các bản sao chép của chúng được cất giữ ở 3 "ngân hàng" khác nhau ở Singapore, Dubai và Thụy Sỹ nhằm đảm bảo luôn có bản dự phòng.

Công ty Singapore Scéil hiện là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ làm đẹp kiểu mới như trên. Scéil hứa hẹn sẽ lưu trữ các tế bào của mọi khách hàng cho tới khi họ chết. Trong một tuyên bố trên website của công ty, Scéil kêu gọi các khách hàng đăng ký dịch vụ càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự lão hóa thêm của các tế bào.

"Các tế bào của bạn sẽ được lưu trữ suốt cuộc đời bạn, cho tới khi bạn cần trong tương lai để điều trị bằng những kỹ thuật y học tân tiến nhất. Kỹ thuật này có tiềm năng đảo ngược hoặc thậm chí chữa trị các căn bệnh và phục hồi những mô bị tổn thương. Do quá trình lão hóa, không có lúc nào tốt hơn thời điểm hiện tại để bạn lưu trữ mẫu của mình.

"Các tế bào được bảo quản của bạn sẽ vẫn duy trì mức độ "trẻ, khỏe" hiện có của chúng, trong khi những tế bào còn lại tiếp tục lão hóa. Hãy cân nhắc, vì khi bạn bắt đầu đọc những thông tin này, các tế bào của bạn đã lão hóa hơn do trung bình, toàn bộ các tế bào trong cơ thể bạn cần 1,8 triệu đột biến với ADN của chúng mỗi giây!", trích quảng cáo của công ty Scéil.

Tiến sĩ Andre Choulika, người sáng lập công ty mẹ Cellectis của Scéil, tuyên bố: "Chúng tôi tin tưởng rằng, phương pháp mới sẽ rất được một tầng lớp người nhất định, những người có mọi thứ nhưng không thể chống lại quá trình lão hóa, đặc biệt ưa chuộng".

Tiến sĩ Choulika so sánh việc lưu trữ các tế bào gốc của cơ thể người với việc sao lưu dự phòng máy tính cá nhân, giúp chúng ta có thể sử dụng tế bào gốc trẻ, khỏe khi cần trong tương lai, kể cả phẫu thuật cấy ghép để có làn da thanh xuân như trước đó nhiều năm.


Ghép gan điều trị viêm gan tại bệnh viện chợ rẫy

Ông H.C.T. đã vượt qua ca ghép từ phần gan của cậu con trai 18 tuổi hiến tặng để dieu tri viem gan và xơ gan do uống nhiều rượu bia. Đây là bệnh nhân thứ 2 thực hiện ghép gan trên người lớn tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 15/8 các bác sĩ đến từ bệnh viện ASAN, Hàn Quốc đã kết hợp với nhóm đồng nghiệp tại bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép gan cho bệnh nhân H.C.T. (50 tuổi, ngụ tại TPHCM). Sau 14 tiếng khẩn trương và tỉ mẩn đến từng đường dao mũi kéo, cuộc phẫu thuật cắt ghép phần gan có trọng lượng 750gr từ người con cho người cha được hoàn tất.

Ông H.T.C. (bên trái) vui mừng trước ngày xuất viện


Ngày 27/8 sau ca mổ hiến gan cho cha, sức khỏe của chàng thanh niên nhanh chóng bình phục nên đã được xuất viện. Người cha tiếp tục được các bác sĩ chăm sóc và theo dõi các chỉ số sau ghép. Hơn một tháng sau khi được ghép gan, trên cơ sở đánh giá tổng trạng sức khỏe của bệnh nhân, TS.BS. Phạm Hữu Thiện Chí, Phó khoa ngoại Gan - Mật - Tụy, cho biết hiện sức khỏe của ông H.C.T. tiến triển tốt, tất cả các chỉ số về gan đã ổn định bệnh nhân đã có thể xuất viện.

BS Phạm Hữu Thiện Chí khuyến cáo, người sau cho gan cần phải hạn chế các môn thể thao nặng, làm căng cơ bụng ít nhất trong vòng 1 năm. Người được ghép gan sau khi xuất viện nên hạn chế ra ngoài nhiều vì hiện sức đề kháng yếu hơn so với người bình thường nên dễ bị các loại bệnh khác tấn công.

Trường hợp ghép gan của ông H.C.T. là ca ghép gan thứ 2 với sự hỗ trợ của đoàn chuyên gia từ bệnh viện ASAN, Hàn Quốc thực hiện tại Chợ Rẫy. Năm 2012, Chợ Rẫy đã thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên, tuy nhiên rủi ro đã xảy ra khi bệnh nhân bị xuất huyết ồ ạt rồi tử vong khi đang được theo dõi hậu phẫu tại bệnh viện.

PGS TS Nguyễn Tấn Cường, nguyên Trưởng khoa ngoại Gan Mật Tụy BV Chợ Rẫy, cho biết, ghép gan là một trong những kỹ thuật khó nhất về ghép tạng. Hiện nay, nhu cầu cần ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung là rất lớn, tuy nhiên việc tìm được nguồn tạng phù hợp là rất khó khăn. Ngoài việc phải đảm bảo các chỉ số phù hợp, người cho tạng cần phải vượt qua được rào cản tâm lý. Vấn đề cho hiến tạng ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, ngay cả đối với các trường hợp chết não.