August 15, 2013

Đoán bệnh dựa trên dấu hiệu của móng tay

Bình thường móng tay, móng chân mọc liên tục suốt đời, mỗi ngày móng tay mọc dài ra khoảng 0,1mm, mỗi tháng dài ra từ 3 -5mm. Móng tay mọc nhanh hơn 2-3 lần móng chân. Móng thay đổi và tổn thương ở một số bệnh như: có vết trắng trên móng là do thiếu kẽm, bệnh gan hoặc bệnh thận.



Móng giòn, dễ gãy (như trường hợp của bạn) có thể do: thiếu chất sắt, bị bệnh Raynaud, tiếp xúc thường xuyên với chất tẩy rửa, chất sơn móng tay, bệnh nấm móng.

Móng có màu vàng là do: bệnh viêm phế quản mạn tính, người hút nhiều thuốc lá. Móng có màu trắng đục do bị bệnh xơ gan. Móng có màu xanh là bị nhiễm độc kim loại đồng hay bạc. Bệnh cường tuyến giáp có thể dẫn đến móng tách khỏi lớp da ở dưới (như trường hợp bạn của bạn). Móng bị phình ra do mắc bệnh tim, phổi vì thiếu ôxy. Móng có màu xanh vàng là do dùng thuốc quinacrine điều trị sốt rét.

Người dùng nhiều thuốc tetracycline thì móng có màu nâu... Ngâm tay chân trong nước quá lâu như bơi lội, rửa chén bát... móng sẽ bị giòn bởi vì móng có những lỗ nhỏ li ti, nên nước ngấm vào móng nhanh hơn làm cho móng căng tấy ra. Khi ra khỏi nước, móng khô và teo lại nhìn thấy nhăn nheo.

Bạn nên đi khám tại chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh móng giòn, dễ gãy của bạn.

Xem thêm: thuoc tri benh gan

August 14, 2013

Cầu cứu vì bệnh xơ gan hoành hành ở ven sông Tiền

Từ năm 2010 đến nay, tại một ấp có rất nhiều hộ gia đình có người mắc bệnh xơ gan. Điều đó đã gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ cho những người dân khác khi đang sống ở địa phương này. Nhiều người nghi ngờ bị mắc bệnh xơ gan nhưng không dám đến cơ sở y tế để khám và chữa trị.

Đang khỏe bỗng dưng... mắc bệnh

Vượt qua phà Tân Long trên dòng sông Tiền đỏ nặng phù sa, chúng tôi đến được ấp Tân Thạnh (xã Tân Long, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), nơi có hàng trăm người dân mắc chung một chứng bệnh xơ gan. Dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến nhà bà B.T.C. (66 tuổi) đầu tiên, người biết mình mắc bệnh gan cách đây hơn hai năm. Cũng như nhiều hộ khác, gia đình bà C. quanh năm gắn bó với miệt vườn sông nước. Năm 2010, bà thấy có triệu chứng khó thở, tức ngực, phình bụng, mệt mỏi bèn đến bệnh viện thăm khám. Sau nhiều ngày trải qua các bệnh viện tuyến dưới lẫn tuyến trên, bà được các bác sĩ kết luận mắc bệnh xơ gan giai đoạn cuối.

Nhìn khuôn mặt gầy gò, xanh xao của bà C., chúng tôi biết rằng, bà đang vì phải chống chọi với bệnh tật. Cầm vội tà áo bà ba cũ mèm, bà gạt nước mắt nghẹn ngào chia sẻ: "Ban đầu, khi chưa biết mình mắc bệnh xơ gan, tôi cũng chỉ nghĩ mình tuổi cao, sức yếu, ăn uống thiếu thốn nên sinh bệnh. Mỗi lần lên cơn đau bụng, tức ngực khó thở, ăn uống không được, tôi đều cắn răng chịu đựng. Được các con đưa đi viện thì chỉ nằm lại vài ngày thì về vì không đủ tiền chi trả viện phí. Thương chồng, con, bà C. bèn đi bốc thuốc Nam miễn phí của những lương y từ thiện về uống cầm cự bệnh tật".

Cùng mắc chứng bệnh như bà C. là trường hợp của anh B.D.T. (19 tuổi) ngụ cùng ấp, sinh viên trường đại học Đồng Tháp. Trong một lần khám sức khỏe để hoàn thiện hồ sơ nhập học, T. phát hiện mình bị xơ gan giai đoạn đầu. "Khi nhận được kết quả bị bệnh xơ gan, tôi rất bất ngờ. Trong nhiều ngày liền, tôi hoang mang lo lắng và không thể làm được việc gì. Bởi tôi nghĩ bản thân còn trẻ khỏe mà đã mắc căn bệnh giống các bác, các cô ở làng thì sẽ nhanh chóng ra đi thôi. Trong những lúc buồn phiền này, cha mẹ tôi luôn ở bên cạnh động viên quan tâm và đưa đi điều trị định kỳ hàng tháng tại bệnh viện nên sức khỏe đã ổn định hơn. Tuy nhiên, căn bệnh xơ gan vẫn không thể dứt hẳn", T. tâm sự.

Hậu quả của căn bệnh xơ gan đã cướp đi sinh mạng của người chồng khỏe mạnh của bà N.T.H. (72 tuổi). Không giấu nổi niềm thương tiếc đối với người chồng quá cố, bà H. ngậm ngùi: "Từ khi chồng tôi bị phát hiện căn bệnh đến khi mất chỉ diễn ra trong vòng nửa năm. Ban đầu, ông ấy thấy ngực khó thở, bụng sưng to, ăn uống không tiêu nên cũng nghĩ có thể bị bệnh liên quan đến phổi hay bệnh tiêu hóa. Do lo lắng quá nên các con đưa ông ấy lên bệnh viện Chợ Rẫy để xác định, bác sĩ thông báo ông bị bệnh xơ gan chỉ sống được khoảng một tháng nữa thôi. Do sức đề kháng tốt và chịu khó ăn uống nên ông sống thêm được sáu tháng nữa, rồi ra đi vĩnh viễn".

Bà H.T.N.X. (56 tuổi) cũng biết mình mắc chứng bệnh trên cho biết: "Hơn một năm gần đây, trong ấp Tân Thạnh có thêm rất nhiều người mắc căn bệnh xơ gan. Hầu hết những ai nghi nghờ mình có bệnh đi khám đều nhận được kết quả tương tự. Mới đây, người em gái kế của tôi là H.T.N.D., làm nghề buôn bán lúa gạo trên ghe, thấy mệt mỏi trong người nên đi khám bệnh. Nó tím tái mặt mày khi bác sĩ cho hay bị bệnh gan. Hiện tại, D. được bệnh viện đa khoa Đồng Tháp chuyển trực tiếp lên bệnh viện bệnh Nhiệt đới để điều trị do bệnh rất nặng. Tiếp đó, cả chồng của D. cũng mới phát hiện mắc bệnh chứng bệnh này".

Vẫn chưa kết luận nguyên nhân gây bệnh xơ gan

Trước thực trạng ấp Tân Thạnh có nhiều người mắc bệnh xơ gan, chúng tôi đã đến liên hệ với UBND xã Tân Long để hỏi về nguyên nhân gây ra căn bệnh xơ gan trong ấp. Ông Nguyễn Thành Công (Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long) bày tỏ: "Trước kia, ấp Tân Thạnh đã có một số người dân bị bệnh xơ gan rồi. Hiện nay, số người bị mắc bệnh xơ gan tăng đột biến, cán bộ xã đã xuống tận nơi để nắm bắt tình hình. Về nguyên nhân, các cơ quan liên quan vẫn đang vào cuộc nên chưa thể đưa ra kết luận. Sự việc của ấp Tân Thạnh đã được chuyển lên cấp trên để chờ hướng giải quyết".


Hiện nay, ở ấp Tân Thạnh, không chỉ người nằm trong độ tuổi trung niên mới có triệu chứng bệnh xơ gan mà ngay cả những người trẻ tuổi, vị thành niên cũng mắc căn bệnh nguy hiểm này. Bà X. cho biết thêm: "Tôi năm nay đã ngoài 50, gia đình vốn thuộc hộ nghèo của xã, mắc bệnh như vậy cũng đau buồn lắm, có chết sớm cũng an phận. Chỉ thương nhiều gia đình còn trẻ, con cái đang trong độ tuổi đến trường đã bị thần chết đe dọa như nhà anh N.V.H. hay T.T.K. thì thật là đau lòng… Cả ấp này đều đang rối loạn khi ngày càng có nhiều người bị bệnh xơ gan, chúng tôi không biết phải kêu lạy ai bây giờ".

Mỗi khi nói đến căn bệnh xơ gan đang từng ngày cướp đi tính mạng của người dân, nhiều gia đình tỏ ra hoang mang, lo lắng. Điều đáng nói hơn là nhiều người thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe không dám đến các cơ sở y tế để khám. Vì khi biết mắc bệnh, họ sẽ thấp thỏm lo lắng từng ngày, không thể chuyên tâm làm việc. Điển hình như trường hợp của chị H. (34 tuổi) nhận thấy mình có những triệu chứng mệt mỏi, bụng sưng phình nhưng vẫn không dám bước chân đến bệnh viện để khám vì sợ mắc bệnh xơ gan như mọi người trong ấp.

Chị H. bộc bạch: "Việc buôn bán của gia đình đang theo đà thuận lợi, con cái còn quá nhỏ chưa đủ để nhận thức tất cả mọi việc. Chưa kể, khi tôi đi khám biết mình bị bệnh gan, chồng con lại thêm phần lo âu. Bạn bè biết mình có bệnh sẽ tìm cách tránh xa, không giao dịch làm ăn nữa. Với những lý do đó, khi thấy trong người không được khỏe, tôi chỉ ra tiệm thuốc Tây mua về uống để cắt cơn đau...".

Khi đề cập về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh xơ gan đang lan tràn ở ấp Tân Thạnh, nhiều người dân nghi ngại: "Căn bệnh này có lẽ bắt nguồn từ việc dùng nước sông Tiền đoạn chảy qua ấp bị nhiễm chất thải từ một số công ty, xí nghiệp sản xuất sắt thép. Nhiều buổi chiều chúng tôi chạy ghe xuồng đi lấy nước thấy màu nước đen ngòm cả một góc sông lớn, mùi vị của chất thải từ sắt thép. Từ ngày người dân ở đây phát hiện số người bị bệnh xơ gan gia tăng từng ngày thì không còn ai xuống sông lấy nước về sử dụng nữa. Nhằm hạn chế căn bệnh xơ gan lan rộng trong nhân dân, chính quyền địa phương đã kéo một đường ống dẫn nước sạch đã qua xử lý đến từng hộ dân để thuận tiện cho việc sinh hoạt ăn uống".

Nguồn: Internet

August 10, 2013

Bánh hamburger tế bào gốc đầu tiên

Tại thủ đô của Anh, nếm bánh hamburger đầu tiên trên thế giới được làm từ các tế bào gốc đã diễn ra trong sự chứng kiến của các nhà báo, các truyền thông địa phương đưa tin hôm thứ Ba. Miếng chả rán trong bánh nom như thịt, nhưng khô và không ngon, nữ giáo sư Hanni Ryuttsler từ Áo nói sau khi được thử bánh.



Chi phí của một chiếc bánh hamburger từ tế bào gốc được ước tính ở mức 250 000 bảng. Chiếc bánh hamburger được làm từ tế bào gốc có nguồn gốc từ sinh thiết của một con bò. Trong thời hạn ba tháng, một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Giáo sư Mark Post của Đại học Maastricht, Hà Lan đã có thể phát triển được 20.000 sợi cơ. Sau đó, các sợi được nén lại để làm chả kẹp hamburger, về các thông số sinh học giống hệt nhơ thịt bò bình thường. Theo Mark Post, ông muốn cho thế giới thấy rằng thịt phát triển trong phòng thí nghiệm là khả thi là giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực.


Lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn ở đâu?

Hiện nay tại Việt Nam, rất nhiều gia đình có xu hướng lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn cho con để đề phòng điều trị các bệnh nguy hiểm sau này. Và họ cũng đang thắc mắc, không biết ở nước ta thì lưu trứ tế bào gố máu dây rốn ở đâu? Chi phí hết bao nhiều. Dưới đây tôi xin chia sẻ về một vài thông tin đã thu thập được, để giải đáp những thắc mắc đó cho các gia đình có điều kiện, muốn lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn cho con:

Ông Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Trung tâm tế bào gốc, Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương trả lời: Việc lưu trữ máu cuống rốn để dự phòng điều trị các bệnh hiểm nghèo là lựa chọn rất tốt của những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Tuy nhiên, để có thể có một mẫu máu cuống rốn lưu trữ đảm bảo các quy định, người bệnh phải trải qua một quá trình kiểm tra, sàng lọc với rất nhiều xét nghiệm, phân tích khá phức tạp về mặt kỹ thuật.

Các sản phụ có nhu cầu lưu trữ máu cuống rốn cho con phải đến đăng ký, kiểm tra một số bệnh (nếu người mẹ mắc một số bệnh như di truyền, nhiễm virus… thì không thể lưu trữ). Bệnh viện cũng phải điều tra và làm một số xét nghiệm của người mẹ, nếu đủ điều kiện thì mới đăng ký và nộp chi phí ban đầu.

Khi sản phụ chuẩn bị sinh sẽ có người hướng dẫn tận nơi. Khi tách em bé ra khỏi bánh rau thì có 2 phương pháp lấy máu cuống rốn. Phương pháp thứ nhất là khi bánh rau chưa xổ ra khỏi tử cung, máu được lấy luôn từ dây rốn. Phương pháp thứ 2 là sau khi xổ rau, cán bộ y tế sẽ treo bánh rau lên và lấy máu. Việc này chỉ được phép tiến hành trong vòng 10 phút đầu tiên kể từ khi xổ rau ra bởi nếu không máu sẽ bị đông, không còn tác dụng nữa.

Sau khi lấy máu về phải làm các xét nghiệm xem có nhiễm trùng không, có mắc bệnh gì không, đặc biệt là những bệnh về nhiễm sắc tố. Nếu bị bệnh này sẽ phải hủy mẫu máu đó. Tiếp đến là phân lập ra tế bào gốc, khối lượng nitơ để bảo quản tế bào gốc rất lớn nên giá thành cao.

Hiện nay, ngân hàng tế bào gốc tại Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương đã được lập và đang lưu trữ khoảng 50 mẫu máu cuống rốn, chủ yếu của những gia đình có điều kiện kinh tế.

Chi phí để lưu máu cuống rốn trong ngân hàng tế bào gốc là khoảng 25 triệu đồng/mẫu trong năm đầu tiên. Những năm sau đó, chi phí lưu trữ trung bình khoảng 2,2 triệu đồng/mẫu và việc lưu trữ sẽ kéo dài trong suốt 18 năm.

Theo các nghiên cứu, việc điều trị các bệnh nan y bằng tế bào gốc mang lại những hiệu quả khả quan. Có hai phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị các bệnh nguy hiểm. Phương pháp thứ nhất là ứng dụng tế bào gốc tự thân. Tế bào gốc được lấy từ chính bệnh nhân. Bệnh nhân bị ung thư sau khi truyền hóa chất liều cao để tiêu diệt tối ưu tế bào ung thư sẽ được truyền lại tế bào gốc cho người bệnh. Phương pháp này đang áp dụng cho một số bệnh nhân thuộc nhóm bệnh như ung thư tủy xương, ulympho.

Phương pháp thứ hai là ghép đồng loại. Sử dụng tế bào gốc từ nhiều nguồn, có thể từ máu cuống rốn, tủy xương, có thể là từ anh chị em ruột cùng huyết thống hoặc từ những người không cùng huyết thống để ghép cho bệnh nhân. Hiệu quả chữa bệnh đối với phương pháp ghép tự thân là 70%, phương pháp ghép đồng loại là 60-70%.


Ung thư gan và những con số nhức nhối

"Có đến 90% bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi C (HCV) không đủ điều kiện tiếp cận việc điều trị hoặc phải bỏ dở điều trị do không đủ chi phí. Trong khi đó, viêm gan siêu vi C là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xơ gan và ung thư gan, có nguy cơ gây tử vong cao." - TS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết tại lễ hưởng ứng Ngày Phòng chống viêm gan thế giới.

Theo thống kê, ước tính có 15% đến 20% dân số Việt Nam có thể nhiễm viêm gan siêu vi B, C và các viêm gan khác. Trong đó, HCV là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thu gan nguyên phát. Tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm gan, trong đó nhiều nhất là viêm gan siêu vi với tỷ lệ hơn 90% (80% là viêm gan B, còn lại là viêm gan C). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân HCV mạn tính đến bệnh viện có đủ khả năng theo đuổi việc điều trị. Lý do chính là chi phí điều trị quá cao, khoảng 100 triệu đồng/năm, trong khi đó bảo hiểm y tế chỉ mới chi trả phần xét nghiệm chứ chưa chi trả phần điều trị nên nhiều bệnh nhân không kham nổi.

Theo TS Lê Mạnh Hùng, ngoài chi phí cao, thiếu thông tin cũng là nguyên nhân lớn gây khó khăn cho việc điều trị. Tình trạng thiếu thông tin khiến nhiều bệnh nhân không chủ động tầm soát bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh viêm gan siêu vi B, C mạn tính có biểu hiện rất thầm lặng, chỉ khoảng 20% có triệu chứng biểu hiện ra ngoài nên rất khó hoặc không thể chữa trị. Cũng theo các bác sĩ chuyên khoa điều trị bệnh viêm gan ở Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, điều trăn trở nhất là việc điều trị bệnh ở giai đoạn đầu rất hiệu quả, không tốn kém nhưng nhiều người không biết để đi khám bệnh, đến khi bệnh nặng thì phải bán cả tài sản để chữa cũng không đủ.

Việc thiếu thông tin một phần cũng bởi tình trạng quá tải của các bác sĩ hiện nay. Tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, ngày cao điểm, một bác sĩ chuyên khoa phải tiếp hơn 100 bệnh nhân. Vì lượng bệnh nhân quá đông, nên một số bệnh nhân không có được nhiều thời gian để nghe và tìm hiểu thông tin tư vấn từ bác sĩ. Hiện tại, để hỗ trợ tốt cho việc điều trị viêm gan và giảm tải cho các bác sĩ, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh với sự tài trợ của Văn phòng đại diện Hoffmann - La Roche tại Việt Nam đã mở phòng tư vấn viêm gan miễn phí, bắt đầu hoạt động từ ngày 1-8. Trong tuần đầu tiên tháng 8-2013, mỗi ngày phòng tư vấn tiếp đón hơn 20 người.

Theo các bác sĩ điều trị chuyên khoa bệnh gan ở TP Hồ Chí Minh, để chủ động phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B, C, cần phải tăng cường thông tin cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có biện pháp hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận điều trị, để có thể giảm số lượng người nhiễm viêm gan siêu vi C trong cộng đồng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 240 triệu người nhiễm siêu vi viêm gan B mạn tính, 150 triệu người nhiễm siêu vi viêm gan C mạn tính; mỗi năm, có hơn 1 triệu người tử vong vì viêm gan siêu vi. Cứ 100 người nhiễm siêu vi viêm gan C thì 75-85 người sẽ chuyển sang mang mầm bệnh mạn tính; trong số này, sẽ có khoảng 60-70 người tiến triển thành viêm gan mạn tính; 5-20 người diễn tiến đến xơ gan và sẽ có 1-5 người tử vong vì xơ gan hoặc ung thư gan.