November 28, 2012

Một số bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải cần quan tâm

Một số bệnh truyền nhiễm rất dễ mắc phải cần quan tâm

Tác nhân của các bệnh truyền nhiễm là do vi khuẩn hoặc virus, trong đó tác nhân do virus ngày càng tăng, độc lực càng cao và diễn biến phức tạp hơn trước đây (nếu như bệnh đã có từ trước, nay bộc phát). Một số bệnh truyền nhiễm điển hình đó là: Tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, tả, cúm A H5N1, cúm A H1N1.

Vi trùng gây bệnh truyền nhiễm
Vi trùng gây bệnh truyền nhiễm

Bệnh tay - chân - miệng (Hand-Foot-Mouth Disease HFMD):

Là một bệnh do nhiễm virus đường ruột (enterovirus), thường gặp nhất là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV 71). Bệnh tập trung chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ 1-2 tuổi. Bệnh cũng có thể gặp ở người trưởng thành. Khoảng 75% người lớn có virus tay - chân - miệng nhưng không có biểu hiện bệnh lý gọi là người lành mang trùng (carrier). Đây là đối tượng rất khó quản lý nhưng dễ phát tán mầm bệnh. Năm 2011, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh T-C-M cao thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Tại khu vực phía Nam, số mắc bệnh T-C-M chiếm 65,5% và số chết chiếm 89,2% so với cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh có số mắc cao nhất nước, Tiền Giang có số mắc đứng hàng thứ 7 so với cả nước. Tính đến ngày 13/11/2011, số ca mắc bệnh T-C-M trên địa bàn tỉnh ta là 2.948, tăng 6,82 lần so với cùng kỳ năm 2010, trong đó tử vong 5 trường hợp. Bệnh T-C-M chưa có vaccine phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng lại lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, nhanh chóng, dễ gây ra tử vong. Biện pháp phòng ngừa chính là giữ vệ sinh tốt và hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh. Biện pháp phòng ngừa đơn giản, dễ thực hiện nhất nhưng hiệu quả nhất là rửa tay sạch bằng xà phòng thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, thay tả, chăm sóc người bệnh hoặc sau khi tiếp xúc với các chất tiết của người bệnh.

Bệnh Sốt xuất huyết (Dengue Heamorrhagic Fever):

Là một loại bệnh lý truyền nhiễm do virus Dengue (D1, D2, D3, D4) gây ra. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết có số mắc đứng hàng thứ năm trong bệnh truyền nhiễm, nhưng có số tử vong đứng đầu trong 26 bệnh được ghi nhận từ năm 2001 đến 2007. Theo ghi nhận, SXH có chu kỳ bùng phát dịch lớn mỗi 10 năm, trong đó 85% các trường hợp SXH xảy ra tại khu vực phía Nam. Trong những năm gần đây, SXH có khuynh hướng gia tăng tại các tỉnh phát triển công nghiệp (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu...). Tại Tiền Giang, tính đến ngày 20/11/2011, tổng số ca mắc SXH là 2.933 (giảm 47,29% so với cùng kỳ năm trước) và đã tử vong 01 trường hợp. SXH hiện cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng ngừa. Biện pháp phòng ngừa là "không có muỗi, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết".

Bệnh tả (Cholerae):

Là một bệnh nhiễm trùng đường ruột, do phẩy trùng Vibrio cholerae gây ra. Độc tố của vi trùng này gây tiêu chảy nặng kèm theo mất nước. Các triệu chứng điển hình là nôn mửa nhiều và tiêu chảy liên tục rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi hàng chục lít một ngày với phân toàn nước, có màu trắng lờ đục như nước vo gạo; bệnh nhân không sốt (có khi lạnh cả người) và ít khi đau bụng. Bệnh nhân mất nước và chất điện giải nhanh chóng, dễ bị trụy tim mạch, gây shock mất nước và có thể tử vong nếu không được bù nước và điện giải kịp thời.

Tại khu vực phía Nam, bệnh tả giảm đi rất rõ rệt kể từ năm 1995. Tỉnh Tiền Giang đã 3 ca bệnh tả vào năm 2010 sau 13 năm liên tục không có ca bệnh tả. Bệnh tả đã có thuốc điều trị và có vaccine phòng ngừa. Biện pháp phòng ngừa bệnh tả là giữ gìn tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nước sạch và xử trí ngay những trường hợp mắc hoặc nghi ngờ bệnh tả để tránh lây lan.

Cúm A H5N1 còn gọi là cúm chim hoang dã hay gia cầm (Bird Flu, Avian Influenza):

Là một dạng bệnh đường hô hấp do virus cúm A phân nhóm H5N1 gây ra, với các triệu chứng thường gặp: sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho khan, sau đó nhanh chóng dẫn đến viêm phổi nặng với ho có đàm, đau ngực, khó thở tím tái, nếu không điều trị kịp thời sẽ suy hô hấp, shock nhiễm trùng, suy đa phủ tạng, hôn mê rồi tử vong. Nguồn bệnh là gia cầm, thủy cầm bị bệnh thải virus qua chất tiết và phân.

Cúm A H5N1 phát hiện đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2003, từ đó đến nay xảy ra rải rác tại khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tại Tiền Giang đã ghi nhận 2 ca mắc và tử vong cả 2 do cúm A H5N1 (tại Cai Lậy vào năm 2005 và tại Cái Bè vào năm 2010), tỷ lệ tử vong 100%. Biện pháp phòng ngừa cúm A H5N1 là giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống chín), không sử dụng thịt hoặc các sản phẩm từ gia cầm, thủy cầm bị bệnh (nhất là tiết canh) và tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.

Cúm A H1N1:
Cũng có những triệu chứng của cúm thông thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho khan... Bệnh cúm A H1N1 thường diễn biến không nặng và không cần điều trị đặc biệt, trừ những trường hợp xảy ra trên những đối tượng có nguy cơ cao như: phụ nữ mang thai, trẻ em, người già, người mắc các bệnh mãn tính như phổi mãn tính, bệnh tim mạch, tiểu đường, hen phế quản, lao phổi, người nhiễm HIV/AIDS, béo phì, suy dinh dưỡng... là những nhóm dễ bị biến chứng nguy hiểm, có khả năng tử vong. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua giọt bắn từ ho khạc, hắt hơi, nước mũi hoặc từ các chất tiết dính vào bề mặt các vật dụng.

Năm 2009, tại Tiền Giang có 204 ca mắc bệnh cúm A H1N1 nhưng không có tử vong. Năm 2011, tỉnh có 3 ca mắc bệnh cúm A H1N1, trong đó có 1 tử vong do có kèm theo bệnh cảnh cao huyết áp + thiếu máu cơ tim/ hen phế quản.

Để chủ động ngăn ngừa dịch cúm A H1N1, người bệnh nên đeo khẩu trang hoặc che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi để hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng. Người chưa mắc bệnh cần tránh tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, giữ vệ sinh cá nhân thông qua việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

Xem thêm:


No comments:

Post a Comment