August 17, 2013

Đã phát hiện ra nguồn gốc các bệnh ung thư

Các nhà khoa học Anh lần đầu tiên đã vẽ được sơ đồ tổng thể các quy trình biến đổi gen dẫn đến các căn bệnh ung thư. Đây được coi là bước đột phá giúp ngành y học thế giới tìm ra những giải pháp tối ưu trong việc chữa trị và ngăn chặn ung thư trong tương lai.

Theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí "Nature" (Anh) số ra ngày 14/8, sau khi phân tích hơn 7.000 bộ gen (mã gen) của các bệnh nhân mắc những bệnh ung thư thông thường, các nhà khoa học đã phát hiện 21 dấu hiệu của quá trình đột biến gen, trong đó tất cả các dạng ung thư đều xuất hiện ít nhất 2 hoặc 3 biểu hiện của quá trình đột biến gen.

Nghiên cứu cũng cho thấy các bệnh ung thư khác nhau có quá trình đột biến gen khác khau. Chẳng hạn những bệnh nhân ung thư buồng trứng thường có hai quá trình đột biến gen, trong khi những người ung thư gan có tới 6 quá trình đột biến. Một số dấu hiệu đột biến xuất hiện phổ biến ở nhiều loại ung thư, song có những bệnh ung thư chỉ tồn tại một dạng đột biến. Tuy nhiên, các nhà khoa học kết luận rằng 25 trong số 30 căn bệnh ung thư đều phát hiện dấu hiệu của các quá trình đột biến gen liên quan đến lão hóa.

Các nhà nghiên cứu Anh còn phát hiện ra một loạt enzim (có tên khoa học là APOBECs), gây biến đổi ADN, liên quan tới hơn một nửa các bệnh ung thư trong công trình nghiên cứu trên. APOBECs có thể bị kích hoạt khi cơ thể con người phản ứng với nhiễm virút. Các nhà khoa học cho rằng khi enzim hoạt động để bảo vệ tế bào không nhiễm virút, cũng là lúc xuất hiện những dấu hiệu đột biến phá hoại bộ gen người.

Từ nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ một số vấn đề như các độc tố hóa chất có trong khói thuốc lá chính là nguyên nhân gây ra đột biến tế bào phổi dẫn đến ung thư hoặc tia cực tím sẽ gây ra đột biến các tế bào da dẫn đến ung thư. Mặc dù vậy, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra những quá trình sinh học là nguyên nhân gây ra đột biến gen ở một số bệnh ung thư phổ biến khác.

Nhà khoa học Serena Nik-Zainal thuộc Viện Wellcome Trust Sanger đồng thời là thành viên nhóm nghiên cứu nhận định các phát hiện trên là bước đột phá quan trọng trong việc nghiên cứu ngăn chặn quá trình hình thành ung thư cũng như hiểu rõ được cơ chế và nguyên nhân khiến căn bệnh chết người này đang ngày một gia tăng.


Hạt dẻ cười xuất xứ từ Trung Quốc gây ung thư gan

Thông tin hạt dẻ cười xuất xứ từ Trung Quốc và được tẩy trắng bằng hoá chất đang khiến nhiều người hoang mang.

Cứ vỏ trắng ruột xanh là độc?Tổng giám đốc một công ty sản xuất hàng nông sản sấy khô bức xúc chia sẻ: “Thị trường trong nước hàng năm tiêu thụ 3.000 - 5.000 tấn hạt dẻ, tôi muốn tìm nguồn để nhập thì mới té ngửa: hoá ra loại hạt dẻ vỏ trắng ruột xanh đang bán trên thị trường đều do Trung Quốc sản xuất, bằng cách tẩy trắng vỏ và tẩm xanh ruột. Điều đó khiến người tiêu dùng ngộ nhận rằng, hạt dẻ có vỏ màu trắng và ruột màu xanh, khiến cho hạt dẻ màu nâu nhập từ Mỹ không bán được”. Hiện tại Trung Quốc cũng đã cấm nhưng người ta vẫn kinh doanh lậu để đưa về Việt Nam qua đường biên giới.

Hầu hết hạt dẻ bán trên thị trường đều có vỏ trắng ruột xanh.


Các chợ trên mạng cũng nhộn nhịp rao bán hạt dẻ cười, giá 200.000 - 350.000 đồng/kg. Chị Hồng Anh, đang rao bán hạt dẻ cười trên một trang mạng ở Hà Nội, khẳng định hàng của chị chưa qua xử lý tẩy trắng, có xuất xứ Mỹ. Chị khẳng định: “Hạt dẻ không bị tẩy trắng có vỏ màu vàng nâu”. Một thành viên trên diễn đàn lamchame.com tự giới thiệu mình làm trong ngành thực phẩm, cẩn thận chia sẻ: “Khi đến mùa thu hoạch, người ta phân ra làm hai loại là loại hạt nở (khi hạt dẻ chín nó sẽ tự tách vỏ ngay ở trên cây) và một loại khác là loại không nở, hạt điếc.

Trung Quốc toàn mua loại hạt điếc này về. Nếu nhìn hạt dẻ tự nhiên thì các bạn sẽ thấy lớp vỏ màu không trắng, sạch như loại hạt dẻ mọi người hay thấy ở chợ mà nó có vỏ hơi vàng vàng, nâu nâu và thi thoảng vẫn còn lớp vỏ màu nâu sẫm ở vỏ. Trông bẩn bẩn nhưng an toàn vô cùng. Loại này hạt to hơn, dài hơn, ăn bùi thơm vì họ không rang kỹ như hạt của Trung Quốc”. Thành viên này cho rằng, hạt dẻ cười Trung Quốc nhập về, cho tẩy trắng sạch sẽ, kích nở bằng một loại hoá chất nào đấy nữa rồi đem bán ra thị trường...

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại chợ Bình Tây (TP.HCM), hầu hết hạt dẻ cười đều có vỏ trắng ruột xanh, được bán với giá 260.000 - 280.000 đồng/kg. Ở một số sạp, người bán thẳng thắn xác nhận hạt dẻ có xuất xứ Trung Quốc, nhưng không quên trấn an người mua rằng hàng được nhập theo đường chính ngạch, đã qua kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, tại nhiều siêu thị, hạt dẻ cười có xuất xứ đa dạng từ Trung Quốc cho đến Đài Loan, Singapore, Indonesia, Thái Lan… cũng có vỏ trắng ruột xanh, giá 420.000 – 760.000đ/kg, trên bao bì một số sản phẩm còn ghi rõ không sử dụng hoá chất tẩy trắng (?)

Nguy cơ ung thư gan

TS. Trần Bích Lam, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa kỹ thuật hoá học, đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết không thể xác định hạt dẻ vỏ trắng ruột xanh là có hoá chất hay ruột nâu thì an toàn, vì còn tuỳ thuộc từng giống hạt dẻ. Theo nhận định chung của các chuyên gia công nghệ thực phẩm, do thị hiếu người dùng thích chọn sản phẩm bắt mắt nên nhà sản xuất sử dụng chất tẩy trắng vỏ để đáp ứng nhu cầu này. Điều này cho thấy, vấn đề cần quan tâm (và cũng thực sự gây hoang mang) không phải là xuất xứ của loại hạt này nữa mà trong quy trình sơ chế, người sản xuất có sử dụng hoá chất độc hại để tẩy trắng hạt dẻ hay không.

Thạc sỹ Lê Thanh Hải, giảng viên khoa công nghệ sau thu hoạch, đại học Hùng Vương TP.HCM, cho biết để tẩy trắng hạt dẻ, phương pháp có thể áp dụng là dùng chất natri sunfit (muối natri tan của axit sunfurơ) hoặc khí sunfurơ dưới dạng muối (thường là Na2SO3) hay dạng khí nặng (SO2). Khí SO2 nếu công nghệ cao thì thu hồi được, tẩy trắng liên hồi giúp hạt trắng nhanh và đều. Người ta cũng có thể dùng clorin (một loại hoá chất sát khuẩn mạnh gốc clo có trong thuốc sát trùng, thuốc trừ sâu, chất độc da cam…). Nhưng sử dụng clorin thì độc, bởi dư lượng của nó có thể bám trên sản phẩm. Trong quá trình tẩy trắng, clorin dễ theo kẽ hạt thấm vào nhân; hoặc khi rang hạt dẻ, dưới tác động của sức nóng, hơi clo bay hơi thấm sâu vào ruột.

Cơ chế tác động của chất này cũng giống 3 - MCPD trong nước tương từng phát hiện trước đây. Ông Hải lưu ý: “Nếu thỉnh thoảng ăn hạt dẻ tẩm clorin, cơ thể có cơ chế đào thải chất độc ra ngoài. Tuy nhiên ăn lâu dài, thường xuyên thì chất độc sẽ bám lại trong cơ thể, theo thời gian dư lượng ngày càng nhiều, nếu gan không lọc được thì ung thư gan là điều không tránh khỏi”. TS Lam cho biết thêm, hiện nay người ta còn sử dụng H2O2 (hydrogen peroxit tức oxy già) là một chất oxy hoá mạnh, có tác dụng tẩy mạnh để làm trắng vỏ.

Trước đây từng có thông tin hạt dẻ cười ở Iran bị thu hồi khỏi siêu thị vì nhiễm aflatoxiny (chất độc hại do nấm bệnh tạo ra trên vỏ hoa quả và hạt). Hay Trung Quốc cũng đã phác thảo các tiêu chuẩn đối với hạt dẻ cười nhằm ngăn chặn “phong trào” tẩy trắng. Các chuyên gia nhận định, gần đây việc rao bán, quảng cáo hạt dẻ người ta đã nhấn mạnh “không tẩy trắng” cũng là một hiệu ứng tích cực, bởi điều đó chứng tỏ người tiêu dùng không còn chú trọng đến sự bắt mắt mà là chất lượng an toàn. Ông Hải cho rằng: “Công ty, cơ sở sản xuất có uy tín khi chế biến sản phẩm bao giờ cũng phải điều chỉnh sao cho liều lượng chất tẩy trắng hạt dẻ ở mức an toàn, không đọng dư lượng hoá chất gây hại cho cơ thể. Bởi, nếu sản phẩm dùng hoá chất, dư lượng vượt mức sẽ không thoát được thẩm định của máy móc khi đem kiểm định tại cơ quan hữu quan”.

“Hạt dẻ cười” còn được gọi là “quả hồ trăn”, “quả hạnh phúc”, được nhiều người ưa thích vì không chỉ ngon miệng mà còn có tác dụng chống ôxy hoá, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, ngăn ngừa tiểu đường…

Nguồn : Internet
Xem thêm: điều trị ung thư gan | triệu chứng ung thư gan

Mang thai khi bị viêm gan C có được không?

Có thể mang thai khi bị viêm gan C hay không?

Viêm gan siêu vi C là bệnh viêm gan do một loại siêu vi viêm gan tên là C gây ra (gọi tắt là siêu vi C). Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến xơ gan, ung thư gan.



Đường lây truyền của siêu vi C giống đường lây của siêu vi viêm gan B, HIV, đó là: đường máu - tiêm chích, quan hệ tình dục, mẹ nhiễm lây cho con. Mức độ lây nhiễm qua đường mẹ - con phụ thuộc vào lượng siêu vi C trong máu mẹ nhiều hay ít, tuy nhiên thường là không cao (< 5%). Nếu bị lây từ mẹ, hầu như trẻ không có dị tật nhưng có nguy cơ bị bệnh viêm gan siêu vi C. Một số ít trường hợp, trong quá trình mang thai, mẹ bị viêm gan siêu vi tiến triển nặng có thể gây ảnh hưởng lên sự an toàn của mẹ lẫn con. Hiện nay, vấn điều trị viêm gan siêu vi C đã đạt nhiều kết quả tích cực, trở ngại chính là chi phí điều trị quá cao, khoảng trên 100 triệu đồng cho lộ trình điều trị một năm và BHYT chưa đồng chi trả.

Xem thêm: Điều trị viêm gan | triệu chứng viêm gan

August 16, 2013

Nguy cơ ung thư ở phụ nữ "chân dài"

Những phụ nữ cao hơn những người khác có nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư khi đến tuổi trung niên.

Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu tác động của chiều cao đối với gần 21.000 phụ nữ từ 50 đến 79 tuổi, vốn được chẩn đoán mắc ít nhất một loại ung thư, trong 12 năm, theo báo The Telegraph.



Cứ tăng thêm 10 cm về chiều cao, phụ nữ sau khi mãn kinh có nguy cơ phát triển bất kỳ loại ung thư nào tới 13%

Giới khoa học phát hiện, trong số 19 loại ung thư được nghiên cứu, không có loại nào mang lại nguy cơ thấp cho những phụ nữ cao.

Cụ thể, cứ tăng thêm 10 cm về chiều cao, phụ nữ sau khi mãn kinh có nguy cơ phát triển bất kỳ loại ung thư nào tới 13%.

Cao hơn người bình thường 10 cm làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu, tuyến giáp, trực tràng và thận từ 23-29%; làm tăng nguy cơ ung thư da, vú và cổ tử cung từ 13-17%.

Các nhà khoa học cho rằng chiều cao có tác động tới nguy cơ ung thư cao hơn trọng lượng.

Tiến sĩ Geoffrey Kabat, thuộc Trường đại học Yeshiva (Mỹ), người dẫn đầu cuộc nghiên cứu mới, lý giải ung thư là kết quả của những quá trình liên quan đến sự phát triển, nên các hormone và những yếu tố phát triển có ảnh hưởng đến chiều cao cũng có thể tác động tới nguy cơ ung thư.

Giới nghiên cứu còn chỉ ra rằng một số biến đổi gien liên quan đến chiều cao cũng có liên quan đến nguy cơ ung thư.

Xem thêm: chua benh ung thu

Ca ghép gan thứ 2 tại bệnh viện Chợ Rẫy

Người đàn ông 50 tuổi với tiền sử nghiện rượu, viêm gan B dẫn tới bệnh xơ gan giai đoạn cuối đã quyết định tìm đến phương pháp ghép gan để tiếp tục sự sống. Ca phẫu thuật cắt ghép từ người cho là con trai của ông được tiếp hành tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh gan đang trở thành gánh nặng của toàn cầu, với quyết tâm thực hiện thành công kỹ thuật ghép gan để mở ra một hướng mới trong điều trị cho người bị viêm gan giai đoạn cuối, ngày 15/8 bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ca ghép gan lần thứ hai cho bệnh nhân nam 50 tuổi.


Bác sĩ đang thực hiện ca cắt ghép tại bệnh viễn chợ rẫy.


Theo thông tin bệnh viện cung cấp, bệnh nhân là ông H.C.T. ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM. Ông T. có tiền sử bị xơ gan do uống quá nhiều rượu bia và viêm gan giai đoạn cuối dẫn tới xơ gan, các phương pháp điều trị bằng thuốc đã không còn tác dụng. Sau khi tìm hiểu về thủ thuật ghép gan, với sự động viên góp ý của bác sỹ ông T, đã quyết định bước vào ca phẫu thuật với hy vọng tìm lại cuộc sống khỏe mạnh.

Ngày 15/8, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cùng đoàn bác sĩ Bệnh viện ASAN (Hàn Quốc) đã tiến hành ca ghép gan cho bệnh nhân. Trước lúc ghép gan, ông T. tỉnh táo, đi lại tốt, sẵn sàng cho cuộc mổ ghép. Người hiến gan là con trai của bệnh nhân, tên H.G.T. (18 tuổi).

Ê kíp phẫu thuật gồm 29 y bác sĩ Việt Nam và 13 bác sĩ đến từ bệnh viện ASAN. Vào lúc 8 giờ 15 phút, các bác sĩ đã đặt đường dao đầu tiên mở ổ bụng của người con để bắt đầu thực hiện quá trình lấy gan. Đến 8h30 ổ bụng của người cha cũng được mở, bác sĩ tiến hành cắt bỏ phần gan đã bị xơ, chuẩn bị cho khâu ghép. Sau 7 tiếng việc lấy gan từ người cho được hoàn tất, bác sĩ tiến hành đóng ổ bụng của người con. Đến 17h cùng ngày người con đã tỉnh táo.

Quá trình ghéo cho người cha diễn ra khẩn trương. Bằng những động tác tỉ mẩn, các bác sĩ từng bước hoàn thành công đoạn ghép gan cho người bệnh. Lúc 22h cùng ngày, phần gan có trọng lượng 750g (tương đương 2/3 lá gan bên phải) đã được ghép thành công cho người cha. Các bác sĩ đóng ổ bụng bệnh nhân, các chỉ số sau cắt ghép của người cho và người nhận tương đối ổn định. Được biết cuộc phẫu thuật cắt ghép này tiêu tốn 1,5 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 12/10/2012, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phẫu thuật ghép gan cho ca đầu tiên là bà C.T.K.Đ. (52 tuổi) người hiến gan là con trai bệnh nhân tên D.H.L, 22 tuổi. Tuy nhiên, sau cuộc ghép hơn 2 tháng bà Đ. đã tử vong vì bị xuất huyết tiêu hóa ồ ạt.

Nguồn: Internet