September 17, 2013

DAO Ar - He có thể tiêu diệt tế bào ung thư gan

Ứng dụng của kỹ thuật điều chỉnh nhiệt độ vũ trụ, dao Ar - He có thể tiêu diệt tế bào ung thư một cách nhanh chóng, trực tiếp và chính xác. Đây là một loại hình mới trong điều trị ung thư chục năm trở lại đây.

Tháng 11/2011, ông Vũ Xuân Hòa bắt đầu bị nhiều cơn đau hành hạ đến mất ăn mất ngủ, cân nặng bị sụt tới 4kg. Sau khi đi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ thông báo ông đã mắc ung thư gan, và khối u có kích thước đến 7,5cm.

Không từ bỏ hy vọng, ông Hòa quyết định tiếp nhận nhận phẫu thuật cắt bỏ khối u ở gan. Sau 1 thời gian dưỡng bệnh, ông Hòa không còn bị hành hạ bởi những cơn đau ở gan và cũng không còn ho nhiều.

Tuy nhiên, nửa năm sau tế bào ung thư tiếp tục tái phát đồng thời xuất hiện thêm ở phổi. Ông Hòa quyết định tìm đến bệnh viện Ung bướu hiện đại Quảng Châu để điều trị, trong đó có áp dụng biện pháp đông lạnh khối u.

Tại bệnh viện, ông Hòa đã được các chuyên gia của bệnh viện kết hợp hội chẩn, lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhất. Sau khi được điều trị tổng hợp tại BV Ung bướu Hiện đại Quảng Châu, các triệu chứng bệnh của ông giảm nhẹ, khối u teo nhỏ, bệnh tình đã được khống chế. Xâm lấn tối thiểu.

Theo GS. Bành Hiểu Xích - Chủ nhiệm khoa Ung bướu (BV Ung bướu Hiện đại Quảng Châu), phương pháp dao đông lạnh có tỷ lệ thành công cao, ít tái phát bệnh; không cần phẫu thuật, ít chảy máu, vết thương nhỏ; ít tác dụng phụ. Phương pháp này có thể ứng dụng cho hầu hết khối u rắn, và càng hiệu quả khi kết hợp với hóa - xạ trị hoặc phẫu trị.

BS. Xích cho biết: “Hơn thế nữa, đôi khi sau phẫu thuật khối u ung thư có thể tái phát, nhưng cùng với phương pháp dao Ar -he, nhiều khối u còn lại sau phẫu thuật sẽ không phát triển trong thời gian ngắn. Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật lạnh qua da, dưới sự hướng dẫn của máy siêu âm hoặc máy chụp CT”.

Dao lạnh sẽ được đưa vào trong khối u, truyền khí lạnh vào, làm cho nhiệt độ của khối u giảm mạnh đáng kể. Sau đó khí nóng Henium sẽ được truyền vào, làm cho khí lạnh trở nên nóng. Khối u sẽ được làm nóng lạnh như vậy ít nhất 2 lần. Quả cầu băng đông lạnh sẽ tiếp tục bao phủ toàn bộ khối u và các mô bình thường xung quanh từ 5-10mm.

Sau khi kết thúc trị liệu đông lạnh, vết thương rất nhỏ, băng bó xong bệnh nhân có thể tự đi về phòng. Đối với khối u lớn, thông thường các phẫu thuật viên sẽ phải đưa nhiều kim đông lạnh vào thăm dò. Theo nhu cầu, đôi khi phải làm ít nhất 2-3 lần trị liệu đông lạnh.

Mỗi năm, khoảng 600 bệnh nhân ung thư các loại đã được áp dụng phương pháp điều trị đông lạnh này. Kỹ thuật đông lạnh được sử dụng để điều trị các khối u thực thể của bệnh ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú ... Tuy nhiên đây không phải là phương pháp được lựa chọn ưu tiên cho ung thư tuyến tụy và tuyến tiền liệt.


Phòng tránh lây nhiễm viêm gan B sang cho con

Nhiều phụ nữ bị nhiễm siêu vi viêm gan B rất băn khoăn không biết phải làm sao khi muốn có thai. Theo ThS.BS chuyên khoa 1 Nguyễn Thế Hùng, nếu không có biện pháp bảo vệ tốt và kịp thời cho trẻ ngay sau sinh, 90-95% trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm siêu vi viêm gan B sẽ bị lây bệnh này.

Tiêm văcxin dieu tri viem gan siêu vi B cho trẻ ở trạm y tế P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Tại buổi sinh hoạt khoa học “Viêm gan siêu vi ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ - tầm soát, điều trị và chích ngừa” do Bệnh viện An Sinh (TP.HCM) tổ chức cuối tuần qua, ThS.BS Nguyễn Thế Hùng cho biết VN hiện có hơn 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị viêm gan siêu vi B mãn tính.

Tiêm ngừa trong vòng 12-24 giờ sau sinh

Theo BS Thế Hùng, viêm gan siêu vi B chủ yếu lây truyền qua đường từ mẹ sang con. Ngoài ra còn lây qua đường quan hệ tình dục, truyền máu. Tỉ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con tùy thời điểm người mẹ bị mắc bệnh. Cụ thể, mẹ mắc bệnh trong ba tháng đầu thai kỳ thì tỉ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con là 1%, nếu mắc trong ba tháng giữa thai kỳ là 10%, còn mắc ở ba tháng cuối thai kỳ là 60-70%. Về đường lây bệnh viêm gan B khi đang mang thai đến nay chưa ghi nhận, mà là lây trong lúc sinh: máu từ nhau thai bong tróc truyền cho bé; sản dịch, máu của mẹ lây cho trẻ sơ sinh; trẻ sơ sinh hít hoặc nuốt phải dịch có siêu vi viêm gan B từ người mẹ. Người mẹ có thể truyền siêu vi viêm gan B cho con khi sinh, dù sinh thường hay sinh mổ.

Viêm gan siêu vi B mãn tính có khoảng 20% ở dạng hoạt động, có khả năng diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan. Người mẹ bị viêm gan B còn có thể gây ảnh hưởng đến thai như nguy cơ sinh non dưới 34 tuần, chuyển dạ sớm có biến chứng, xuất huyết trước sinh, tiểu đường thai kỳ, bé sinh ra bị suy hô hấp...

Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ từ mẹ, BS Hùng cho rằng trẻ sơ sinh cần được tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 12-24 giờ đầu sau sinh. Khi đó bé sẽ có hơn 95% cơ hội không bị mắc viêm gan B sau này. Nếu không tiêm phòng đúng cách (hoặc tiêm phòng quá muộn), bé có nguy cơ viêm gan B rất cao.

Với mẹ nhiễm viêm gan B có HBsAg dương tính (cơ thể đang bị nhiễm siêu vi B) và HBeAg âm tính (siêu vi B đang trong giai đoạn nằm yên, không sinh sôi nảy nở) thì ngay sau sinh, bé được tiêm một liều immunoglobulin và một mũi văcxin ngừa viêm gan B thông thường. Văcxin được tiêm nhắc lại vào thời điểm tháng thứ hai và tháng thứ tư sau sinh. Với mẹ có cả HBsAg dương tính và HBeAg dương tính thì bé sẽ được tiêm hai liều immunoglobulin và một mũi văcxin ngừa viêm gan B thông thường. Các mũi văcxin tiếp theo sẽ tiêm ở tháng thứ hai và tháng thứ tư. Văcxin này tiêm theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia cho tất cả trẻ em sau sinh.

Nhiều thắc mắc, lúng túng

Không ít cặp vợ chồng lúng túng khi người vợ có thai rồi, đi khám thai định kỳ mới biết bị viêm gan siêu vi B, đặt vấn đề có thể đi chích ngừa viêm gan B không? Bị viêm gan B đang điều trị thuốc mà có thai thì thuốc có ảnh hưởng đến em bé, có gây dị dạng thai?

BS Hùng khuyến cáo phụ nữ nhiễm viêm gan B muốn có thai nên đến bác sĩ chuyên khoa gan mật khám và tư vấn về tình trạng nhiễm siêu vi B để biết bệnh đang ở giai đoạn nào, có cần điều trị hay không. Nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ, không có triệu chứng, siêu vi viêm gan B đang “sống chung hòa bình” với người phụ nữ đó thì không cần điều trị, mà nên sinh cho đủ số con mong muốn rồi bắt đầu điều trị là hợp lý.

Nếu đang bị viêm gan B nặng, bệnh đang tiến triển, xơ gan nặng, suy tế bào gan, viêm gan bùng phát và có những biến chứng vì bệnh gan thì nhất định phải điều trị và chưa nên có con. Trường hợp mang thai rồi mới biết có bệnh viêm gan B hoặc có nhiều nguy cơ bị nhiễm viêm gan B (thai phụ có chồng bị viêm gan B) thì chích ngừa viêm gan B vẫn an toàn, không ảnh hưởng cho thai nhi. Tuy nhiên, không nên chích ngừa trong ba tháng đầu thai kỳ mà chích ở những tháng sau sẽ tốt hơn.

Còn nếu chị em nào đang điều trị viêm gan B mà có thai, nếu không điều trị tiếp bệnh có thể bùng phát, gây ảnh hưởng cả mẹ lẫn con. Do vậy thai phụ cần được BS chuyên khoa gan mật khám, tư vấn về những lợi hại của việc mang thai khi đang dùng thuốc điều trị.

Một vấn đề khác được nhiều phụ nữ quan tâm là người mẹ nhiễm siêu vi gan B có nên cho con bú không, nếu bé bú sữa mẹ thì có an toàn? Thắc mắc này được BS Thế Hùng giải đáp nếu trẻ đã được bảo vệ bằng huyết thanh và văcxin thì vẫn cho trẻ bú mẹ vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, có nhiều kháng thể giúp trẻ chống được bệnh tật. Các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa chứng minh được sự lây nhiễm viêm gan B qua đường sữa khi các bà mẹ nhiễm siêu vi B cho con bú. Tuy nhiên cần lưu ý, cân nhắc cho trẻ bú sữa bình nếu mẹ có nứt hay chảy máu đầu vú. Ngoài ra, nếu mẹ có uống thuốc phòng lây siêu vi B cho thai (thuốc tenofovir) thì nên ngưng thuốc ngay khi sinh mới được cho bé bú.


Thuốc chữa sốt xuất huyết trên tế bào gốc chuột nhân hóa

Lâu nay việc tìm ra một loại thuốc điều trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả không có nhiều tiến triển và tốn kém, do nhiều loại thuốc dù có hiệu quả tốt trong phòng thí nghiệm và trên cơ thể động vật song lại thất bại khi thử nghiệm trên cơ thể người, với nguyên nhân chủ yếu là bởi những khác biệt trong tế bào.

Tuy nhiên, vấn đề này giờ đây có thể đã được khắc phục sau khi một nhóm nghiên cứu ở Singapore đã tìm ra một hình mẫu thử nghiệm hiệu quả hơn trong quá trình bào chế thuốc điều trị sốt xuất huyết hiệu quả, đó là chuột mang tế bào miễn dịch của người.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã ghép tế bào gốc gan người vào những con chuột bị biến đổi gene nhằm ngăn chúng tự sản sinh tế bào miễn dịch. Những “con chuột được nhân hóa” này sau đó được phơi nhiễm với virus sốt xuất huyết.

Theo thời gian, chúng đều biểu hiện bốn triệu chứng phát bệnh sốt xuất huyết quan trọng ở người, đặc biệt là sự sụt giảm hồng cầu. Đây là lần đầu tiên triệu chứng này được ghi nhận ở động vật trên thế giới.

Điều này đã cho phép nhóm nghiên cứu xác định được nguyên nhân giảm hồng cầu là do sự gián đoạn trong việc sản sinh hồng cầu ở tủy xương, để từ đó tìm ra loại thuốc hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này.

Theo các nhà khoa học, có tới 70% các loại thuốc điều trị sốt xuất huyết thử nghiệm đã thất bại ở những giai đoạn thử nghiệm I và II trên cơ thể người, do quá độc hoặc ít hiệu quả. Thậm chí, ngay cả những loại thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm và trên cơ thể động vật cũng không thể áp dụng rộng rãi do khoảng cách đáng kể giữa môi trường thí nghiệm với môi trường thực trong cơ thể người.

Chính vì thế, “chuột được nhân hóa” sẽ là một công cụ thử nghiệm tốt hơn cho thấy một loại thuốc sẽ có hiệu quả như thế nào trước khi được thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người. Điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu tiết kiệm chi phí và thời gian do bớt lãng phí nguồn lực. Hiện trung bình mỗi loại dược phẩm phải mất từ 10-12 năm để bào chế thành công.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11/9, tiến sỹ Aishwarya Sridharan, tác giả chính của công trình nghiên cứu nói trên, cho biết hiện nhóm mới chỉ thử nghiệm đối với chủng DEN-2 - chủng phổ biến nhất trong bốn loại chủng virus sốt xuất huyết ở Singapore. Nhóm cũng đang trong quá trình thảo luận với một số công ty để bắt đầu thử nghiệm các biện pháp điều trị hữu hiệu.

Công trình nghiên cứu nói trên được công bố trong bối cảnh Singapore đang trải qua đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng thứ hai trong năm, với gần 16.000 ca lây nhiễm từ đầu năm đến nay.


Ở gần nhà máy điện hạt nhân không mắc bệnh ung thư bạch cầu

Lò phản ứng số 4 (trái) của nhà máy điện hạt nhân Oi tại Fukui, Nhật Bản:



Kết quả nghiên cứu trên quy mô lớn của các nhà khoa học Anh, được công bố ngày 13/9, cho thấy trẻ em sống gần các nhà máy điện hạt nhân không có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu hoặc một dạng ung thư có tên là ung thư bạch huyết non-Hodgkin cao hơn thông thường. Điều này trái với những lo lắng từ trước đến nay.

Sau khi thực hiện khảo sát với khoảng 10.000 trẻ em dưới 5 tuổi và phân tích những dữ liệu sinh đối với hầu hết các trường hợp trẻ em bị bạch cầu ở Anh từ năm 1962 đến 2007, các nhà nghiên cứu đã không phát hiện thấy nguy cơ mắc bệnh phát sinh rõ ràng từ việc sống gần một nhà máy điện hạt nhân.

Người chủ trì nghiên cứu John Bithell, đến từ Nhóm nghiên cứu ung thư trẻ em (CCRG), cho biết đã có nhiều quan ngại về chứng bệnh bạch cầu ở những trẻ sống xung quanh các nhà máy điện hạt nhân ở Anh từ những năm 1980, sau khi một chương trình truyền hình phát sóng về sự gia tăng quá mức bệnh ung thư ở trẻ em gần nhà máy Sellafield (miền Tây Bắc nước Anh).

Kể từ đó, đã có nhiều báo cáo trái chiều nhau ở Anh và một số nước châu Âu khác về việc liệu trẻ em sống gần những lò phản ứng như vậy có nguy cơ mặc bệnh ung thư cao hơn hay không.

Một nghiên cứu ở Đức đưa ra năm 2007 phát hiện nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, một khảo sát thực hiện trong suốt 35 năm ở Anh của "Ủy ban các vấn đề y tế liên quan đến phóng xạ trong môi trường" đưa ra năm 2001 không tìm thấy bằng chứng cho việc sống gần nhà máy hạt nhân làm tăng tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em.

Theo Bithell, những kết quả từ nghiên cứu của ông đăng trên Tạp chí bệnh ung thư Anh có thể giúp trấn an công chúng. Ông Bithell nói: "Nghiên cứu đối chứng của chúng tôi đã khảo sát hồ sơ sinh của hầu hết tất cả các trường hợp mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em Anh, và tái khẳng định một điều rằng không tìm thấy sự liên quan xác đáng nào giữa căn bệnh này với các nhà máy điện hạt nhân."

Bệnh bạch cầu là dạng ung thư của tế bào bạch cầu chưa trưởng thành và thường xảy ra ở trẻ em từ 2 đến 4 tuổi. Đây là một căn bệnh hiếm gặp, với số trẻ em bị mắc hàng năm ở Anh khoảng 500 em và theo các chuyên gia, từ 85-90% trường hợp có thể chữa khỏi.

Nhóm nghiên cứu của Bithell được tài trợ bởi Chính phủ Anh và tổ chức từ thiện "Trẻ em và bệnh ung thư ở Anh". Nhóm đã đo khoảng cách từ nơi những đứa trẻ sống tới nhà máy hạt nhân gần nhất vào thời điểm sinh và thời điểm được phát hiện mặc bạch cầu hoặc bệnh bạch huyết non-Hodgkin.

Hazel Nunn, Trưởng bộ phận Thông tin y học của tổ chức từ thiện "Nghiên cứu ung thư Anh" nói rằng những kết quả này rất đáng khích lệ.

Nghiên cứu đã củng cố thêm những kết quả của "Ủy ban các vấn đề y tế liên quan đến phóng xạ trong môi trường" rằng việc sinh ra hoặc sống gần một cơ sở điện hạt nhân không dẫn tới nguy cơ cao hơn mắc bệnh bạch cầu hoặc các loại ung thư khác ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Anh.


Chế độ ăn cho bênh nhân chữa bệnh ung thư sau khi dùng hóa chất

Sau mổ và truyền hóa chất có đỡ được u đã di căn ở gan không? Nên có chế độ ăn uống như thế nào? Uống thuốc nam có tác dụng không?

Bệnh nhân bị ung thư buồng trứng di căn gan và xương. Hiện nay đã mổ cắt khối u ở buồng trứng nhưng BS nói ở gan còn có nhiều khối u do di căn, nói là giai đoạn 4. Vậy sau mổ truyền hóa chất có đỡ được u ở gan không? Sau khi mổ và truyền hóa chất chế độ ăn uống như thế nào? Uống thuốc nam có tác dụng không?

Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 là giai đoạn cuối. Tế bào ung thư đã di căn sang gan, phổi và các hạch bạch huyết…nên khả năng hồi phục sau mổ và truyền hóa chất cũng không thể làm mất đi các khối u ở gan cũng như không thể tiêu diệt được tận gốc các tế bào ung thư.

Còn chế độ ăn cho người bệnh ung thư hoặc sau hóa trị, cần được chia nhỏ bữa ăn, nên dùng những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, hạn chế dùng các loại thịt đỏ, thịt nướng hoặc xông khói, thức ăn bị nấm mốc, thức ăn có nhiều muối, các loại nước uống có cồn.

Nên dùng nhiều rau xanh, củ quả, trái cây tươi, để giúp bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể. Dùng nhiều thực phẩm có chứa vitamin A, C (lòng đỏ trứng gà, gan động vật, cà chua, cà rốt, cam, hồng, bưởi…).

Thuốc bắc hoặc thuốc nam cũng không thể tiêu diệt được tế bào ung thư, nhưng thuốc này chủ yếu là bồi bổ lại sức khỏe và tăng sức đề kháng cho người bệnh để chống lại bệnh tật.

Tốt nhất, bạn nên đưa bà xã đến BV Y Học Dân Tộc để khám và điều trị thêm.