March 15, 2013

Thành công điều trị ung thư gan biểu mô tế bào


Bệnh viên TƯQĐ 108 đã thành công trong điều trị ung thư gan biểu mô tế bào

"Chi phí cho một ca điều trị hoá tắc mạch bằng vi cầu khoảng 45 – 50 triệu đồng, tuy nhiên cũng kỹ thuật này ở một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan…thì người bệnh sẽ phải chi phí hơn thế nhiều lần"

Hơn 30 bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào gan không còn chỉ định phẫu thuật đã được các bác sĩ Bộ môn – Khoa Nội tiêu hóa (A3) Bệnh viện TWQĐ 108 can thiệp thành công kỹ thuật hóa tắc mạch với hạt vi cầu điều trị ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG). Đây là một phương pháp điều trị UTBMTBG mới được thực hiện và công bố gần đây tại các nước Âu Mỹ và lần đầu tiên đưa vào ứng dụng ở nước ta.

Ghi nhận từ ca bệnh đầu tiên

Bác Võ Văn Đ., 70 tuổi (Hà Nội) không giấu nổi vui mừng khi biết mình đã được các bác sĩ Bộ môn - Khoa nội Tiêu hóa (A3), Bệnh viện TWQĐ 108 can thiệp thành công kỹ thuật mới điều trị UTBMTBG cho mình, đây là khối u có kích thước gần 8cm sau điều trị bằng kỹ thuật hóa tắc mạch vi cầu đã nhỏ đi chỉ còn 3cm. Theo lời kể của bệnh nhân, ông có tiền sử viêm gan B mạn, được phát hiện và chẩn đoán UTBMTBG từ năm 2004. Ông đã được điều trị bằng phương pháp tiêm ethanol qua da và bệnh ổn định 7 năm nay.

Tuy vậy, trong lần kiểm tra sức khỏe định kỳ năm 2011, bác sĩ phát hiện ông có khối u gan tái phát với kích thước 8cm ở hạ phân thùy IV, tăng sinh mạch mạnh. Đối với căn bệnh UTBMTBG, để điều trị cho người bệnh đòi hỏi phải được phát hiện sớm và phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u vẫn là hiệu quả nhất. Khi bệnh nhân đã có triệu chứng lâm sàng như đau vùng gan hoặc gày sút cân nhanh thì đây thường là giai đoạn bệnh tiến triển và phương pháp điều trị tạm thời cơ bản là hóa tắc mạch qua đường động mạch hay còn gọi là phương pháp hóa tắc mạch truyền thống.

Tuy nhiên, từ thực tiễn 10 năm nghiên cứu điều trị bệnh UBMTBG bằng phương pháp này, PGS.TS. Mai Hồng Bàng - Phó Giám đốc Bệnh viện, chủ nhiệm Bộ môn Nội tiêu hóa - chủ trì việc triển khai kỹ thuật hóa tắc mạch tại BV cho biết: “Phương pháp hóa tắc mạch truyền thống có những hạn chế nhất định, đó là tỷ lệ hoại tử hoàn toàn khối u thấp, tác dụng phụ và biến chứng sau điều trị khá nặng nề và để giữ vững kết quả thì phải điều trị nhắc lại nhiều lần. Vì thế, chúng tôi quyết tâm ứng dụng những kỹ thuật hóa tắc mạch mới được thực hiện và công bố gần đây tại các nước Âu Mỹ, đó là kỹ thuật hóa tắc mạch với hạt vi cầu để điều trị bệnh UTBMTG – một bệnh đang rất phổ biến tại Việt Nam”.



Ngày 3/6/2011, bệnh nhân Đ. đã được chỉ định điều trị UTBMTBG bằng phương pháp hóa tắc mạch với hạt vi cầu DC Beads (DCB). Sử dụng hạt DCB với 2 loại kích cỡ: 1ml loại hạt đường kính 100 - 300 micromet và 1ml loại hạt đường kính 500 - 700 micromet. Mỗi loại kích cỡ hạt được tải với 37,5mg doxorubicin (hóa chất chống ung thư). Thời gian tải 60 phút cho loại kích cỡ nhỏ và 90 phút cho loại kích cỡ lớn… Sau can thiệp, bệnh nhân chỉ nằm viện 5 ngày và xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt, ăn ngủ bình thường, không sốt, hết đau vùng gan, men gan gần như bình thường và hiện nay vẫn có thể chơi thể thao hàng ngày. Đây là bệnh nhân đầu tiên được can thiệp bằng phương pháp này và đáp ứng điều trị tốt.

Đến nay, Bộ môn – Khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 đã thực hiện thành công kỹ thuật hóa tắc mạch với hạt vi cầu cho hơn 30 bệnh nhân UTBMTBG và diễn biến tình trạng bệnh của đa số các bệnh nhân đều tốt. Những bệnh nhân đáp ứng tốt với phương pháp điều trị này đều có kích thước khối u đã được thu nhỏ so với trước khi điều trị.

Kỹ thuật hóa tắc mạch vi cầu không chỉ được áp dụng cho bệnh nhân bị UTBMTBG không còn chỉ định phẫu thuật và từ chối phẫu thuật mà còn được chỉ định điều trị cho bệnh nhân ung thư gan thứ phát, ung thư đường mật trong gan và các khối u tăng sinh mạch ở gan khác..
Khắc phục nhược điểm của kỹ thuật hóa tắc mạchtruyền thống


Về phương pháp điều trị mới này, TS. Nguyễn Tiến Thịnh – người trực tiếp thực hiện kỹ thuật và theo dõi điều trị cho biết: “Hóa tắc mạch với hạt vi cầu là một kỹ thuật hóa tắc mạch mới, khắc phục được những nhược điểm chính của kỹ thuật hóa tắc mạch truyền thống nhờ sử dụng tác nhân tắc mạch cũng đồng thời là chất mang và phóng thích thuốc một cách bền vững - đó là các hạt vi cầu DCB”.

Hiện nay, điều trị ung thư gan tại một số nước châu Âu và châu Á đã công nhận kỹ thuật hóa tắc mạch vi cầu là phương pháp ưu việt, hiệu quả cao và có khoảng trên 30% số bệnh nhân UTBMTBG được điều trị theo phương pháp này.

Hạt vi cầu DCB là hạt hình cầu, có tính mềm, đàn hồi được bảo quản dưới dạng dung dịch phosphat, cho phép duy trì nồng độ thuốc ổn định trong khối u, đồng thời giảm nồng độ thuốc khuếch tán ra tuần hoàn ngoại vi. Hạt DCB là một dạng hạt vi cầu được thiết kế đặc hiệu cho kỹ thuật hóa tắc mạch, có thể được chuyển tải cùng với hóa chất chống ung thư như doxorubicin. Sự gắn kết và phóng thích hóa chất được thực hiện theo cơ chế trao đổi ion: hạt DCB mang điện tích âm còn hóa chất chống ung thư mang điện tích dương nên khi trộn lẫn với nhau chúng sẽ được gắn kết chặt chẽ.

Khi đưa vào trong khối u (môi trường plasma giàu điện tích dương) thì hóa chất được phóng thích từ từ theo cơ chế cạnh tranh trao đổi ion. Chính vì thế, hóa chất trong khối u được duy trì ở nồng độ cao và kéo dài tới 14 ngày sau điều trị can thiệp. Như vậy, khi nồng độ hóa chất trong khối u càng cao và kéo dài thì khả năng diệt tế bào ung thư càng chắc chắn và mạnh mẽ. Bản thân hạt DCB với những kích cỡ khác nhau từ 100 – 900 micromet sẽ gây ra hiện tượng tắc động mạch nuôi khối u.

Các hạt DCB kích thước nhỏ gây tắc vi tuần hoàn khối u và những hạt DCB lớn hơn gây tắc tiểu động mạch và những nhánh động mạch nhỏ nuôi u gây hiện tượng thiếu máu u nặng nề, hậu quả khối u bị bỏ đói và chết. Tính ưu việt của hạt vi cầu có tác dụng làm giảm số lần điều trị nhắc lại, giảm số lần nhập viện, giảm ngày nằm điều trị, hạn chế tác dụng phụ do hóa chất chống ung thư gây ra. Người bệnh sau can thiệp bằng phương pháp này có thời gian nằm viện trung bình 1 tuần, còn thực hiện bằng phương pháp hóa tắc mạch truyền thống do tác dụng phụ của thuốc nên thời gian nằm viện sẽ phải kéo dài hơn, nguy cơ tổn thương đến các nhu mô gan lành cũng cao hơn.

Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào sự chỉ định phù hợp đối với từng ca bệnh cụ thể; không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng tốt phương pháp điều trị này. Cũng như hóa tắc mạch truyền thống, phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp UTBMTBG không còn chỉ định phẫu thuật, khối u gan tăng sinh mạch với chức năng gan còn tương đối khá và không có các chống chỉ định đặc biệt.

Xem thêm: chua benh ung thu | thuoc tri benh gan | day bung kho tieu | tac hai cua ruou

No comments:

Post a Comment