August 16, 2013

Bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc tạo máu đã qua đời

Rạng sáng ngày 1/8, anh Cao Xuân Hiệp, bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc bằng phương pháp nửa thuận hợp tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TPHCM đã qua đời.


Bệnh nhân Cao Xuân Hiệp (đeo khẩu trang)

Bệnh nhân Cao Xuân Hiệp, 21 tuổi (ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai) được ghép tế bào gốc từ chị ruột vào ngày 25/4 vừa qua đã tử vong. Sau phẫu thuật, anh Cao Xuân Hiệp phục hồi tốt và Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM đã công bố ca phẫu thuật thành công vào ngày 27/5. Tuy nhiên, sau đó anh Hiệp gặp nhiều biến chứng nên tiếp tục điều trị tại bệnh viện và đã không qua khỏi.

Trước đó, anh Hiệp nhập viện với các triệu chứng mệt mỏi, sốt cao, thiếu máu. Kết quả xét nghiệm của bệnh viện Truyền máu Huyết học cho thấy bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Người cho mảnh ghép tế bào gốc là chị ruột của bệnh nhân đã không hội đủ điều kiện thuận hợp hoàn toàn HLA (kháng nguyên bạch cầu) với bệnh nhân. Bệnh viện Truyền máu huyết học thành phố đã chọn phương pháp HAPLO (ghép tế bào gốc bằng phương pháp nửa thuận hợp) để điều trị.

Đây là ca ghép tế bào tạo máu nửa thuận hợp đầu tiên tại Việt Nam.

Nguồn: Internet


August 15, 2013

Nhiều hành động “đánh gục” viêm gan

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo viêm gan virus là “mối hiểm họa triền miên” với nhân loại. Riêng tại Việt Nam, nếu không được kiểm soát tốt, mối hiểm họa này sẽ quật ngã hàng vạn người.

Nhiều hành động “đánh gục” viêm gan

Nhân kỷ niệm lần thứ 3 Ngày Phòng chống viêm gan virus toàn thế giới và kỷ niệm 1 năm WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cam kết “đánh gục” viêm gan virus đối với 9 quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương (gồm cả Việt Nam); trong đó có mục tiêu hàng đầu là giảm tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em xuống dưới 2%.

Nhiều năm qua, nước ta đã quan tâm phòng chống loại dịch bệnh này, những năm gần đây đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. 10 năm trở lại đây trên 50% trẻ sơ sinh được tiêm vaccin phòng viêm gan B, do vậy tỷ lệ trẻ em 5 tuổi nhiễm virus viêm gan đã giảm rõ rệt. Phong trào vệ sinh môi trường đã thực sự đi vào cuộc sống từ thành thị đến nông thôn, vì vậy dịch viêm gan A và viêm gan E trên 30 năm nay đã bị dập tắt. Kỹ thuật ghép gan đã được phát triển ở một số bệnh viện lớn, cho đến nay chúng ta đã ghép gan được cho 30 bệnh nhân.

Phong trào toàn dân chung tay “đánh gục” virus viêm gan phát động từ năm 2012 đã đạt kết quả bước đầu: Các cơ sở y tế đã khám và xét nghiệm cho gần 3 triệu người dân; phát hiện 105.925 người nhiễm virus viêm gan B, 13.309 người nhiễm virus viêm gan C và 2.383 người ung thư gan nguyên phát.

Hội Gan Mật cũng vào cuộc mạnh mẽ. Để đẩy mạnh việc chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân bị viêm gan virus B và C, Hội Gan Mật Việt Nam đã họp toàn thể các chuyên gia gan mật trong cả nước xây dựng bản hướng dẫn điều trị giúp cho các hội viên, các bác sĩ từ trung ương đến địa phương. Nhiều tỉnh thành, Hội Gan Mật địa phương đã cùng các cơ sở y tế tuyên truyền vận động những người chưa được khám và xét nghiệm viêm gan cần đến cơ sở y tế để khám và xét nghiệm, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nghèo.

Dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng

Chúng ta đã cố gắng ngăn chặn đại dịch viêm gan virus, song hiện nay loại dịch bệnh này vẫn đang diễn biến phức tạp. Bệnh ung thư gan nguyên phát do virus B, C ngày càng gia tăng, đa số bệnh nhân khi phát hiện bệnh thì đã muộn, do vậy việc điều trị kể cả nội khoa và ngoại khoa đều gặp khó khăn. Năm 2008, số người chết vì ung thư gan là 21.748 người, gấp 2 lần so với số chết do tai nạn giao thông. Số người bị viêm gan virus trên 8 triệu người, so với số bệnh nhân HIV/AIDS 59.839 người (năm 2012).

Để đẩy mạnh phong trào toàn dân chung tay “đánh gục” virus viêm gan, từ tháng 2 đến tháng 8.2013, Hội Gan Mật VN phối hợp với T.Ư Hội NDVN phát động cuộc thi tìm hiểu bệnh viêm gan virus trong cả nước. Ban Tổ chức đã nhận được hàng vạn bài dự thi, đối tượng tham gia rất đa dạng, ở các vùng xa xôi hẻo lánh, các vùng dân tộc thiểu số từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến đất mũi Cà Mau cũng tham gia. Các câu hỏi cuộc thi đều là những bài học đơn giản giúp cho mọi người phòng chống bệnh viêm gan virus có hiệu quả.

Tình trạng bệnh nhân viêm gan virus cấp, mạn tính dẫn đến xơ gan ngày một gia tăng. Do tình trạng lây nhiễm có gia đình cả vợ, cả chồng, cả con đều bị viêm gan virus; số bệnh nhân ở nông thôn, ở vùng sâu vùng xa, phần đông không có điều kiện chữa bệnh nên đành chờ chết (chi phí điều trị trung bình 200 triệu đồng mỗi năm). Hậu quả của viêm gan virus dẫn đến ung thư gan, xơ gan, các thể xơ gan cấp và mạn tính phối hợp với những bệnh nhân đái đường, tăng huyết áp, suy thận, lao phổi, HIV/AIDS dẫn tới tử vong hàng năm trên 10 vạn người. Để hạn chế, WHO đã khuyến cáo:

1. Tuyên truyền cho người dân thực hiện an toàn tình dục, đảm bảo vô trùng thiết bị y tế.

2. Phấn đấu tiêm phòng vaccin viêm gan B cho tất cả các trẻ sơ sinh và những người có yếu tố nguy cơ cao.

3. Sử dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất để phục vụ an toàn trong truyền máu và các sản phẩm máu.

4. Phát hiện và điều trị theo phác đồ chuẩn tất cả các bà mẹ đang mang thai bị viêm gan virus, để giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con.

5. Thực hiện ăn chín uống sôi đảm bảo vệ sinh thực phẩm để phòng bệnh viêm gan A và viêm gan E.

6. Sử dụng phác đồ chuẩn trong điều trị viêm gan virus B và C từ trung ương đến địa phương.

Nếu làm được theo các khuyến cáo này, chúng ta hoàn toàn có thể đối đầu với những hiểm họa triền miên và hạn chế được gánh nặng y tế cho người dân cả nước.

Nguồn : Internet

Hội thảo viêm gan siêu vi C - tác nhân gậy ung thư gan và xơ gan

Vào lúc 9g sáng ngày 24/8/2013, buổi hội thảo “Viêm gan siêu vi B - Tác nhân gây ung thư gan và xơ gan” sẽ diễn ra tại Hội trường lầu 9, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin, số 10 Trương Định, Q.3, TP.HCM.

Hội thảo được chủ trì bởi PGS –TS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phân khoa Tiêu hóa Gan mật Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và BS CKII Trần Ánh Tuyết công tác tại Phòng khám Đa Khoa Quốc tế Yersin.

Viêm gan là hiện tượng viêm và hủy hoại tế bào gan. Viêm gan siêu vi là môt trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất trên thế giới. Hiện nay có 6 loại virus gây viêm gan : A, B, C, D, E và G, phổ biến và nguy hiểm nhất là siêu vi B và C. Khoảng 2 tỷ người trên thế giới có bằng chứng đã hoặc đang nhiễm virus viêm gan B và khoảng 350 triệu người mang virus này mạn tính. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới viêm gan B được xếp hàng thứ 9 trong những nguyên nhân gây tử vong và có khoảng 40% người bị viêm gan siêu vi B mạn tính chết vì xơ gan, ung thư gan. Có khoảng 60% đến 80% bệnh nhân ung thư gan có nguồn gốc từ viêm gan siêu vi B. Những người bị viêm gan siêu vi B mạn tính có nguy cơ ung thư gan gấp 200 lần người bình thường.

Vậy viêm gan B ảnh hưởng tới sức khoẻ con người như thế nào? Triệu chứng ra sao? Cách phòng ngừa và điều trị? Các bạn muốn biết thêm các thông tin đó hãy tham dự hội thảo để biết thêm những kiến thức quý báu

Nguồn: Internet


Sử dụng tế bào gốc con người nuôi cấy trái tim chuột

Các nhà khoa học Mỹ đã nuôi cấy được một trái tim chuột sử dụng các tế bào gốc của con người, nhưng vẫn hoạt động bình thường.


Sơ đồ mô phỏng quá trình nuôi cấy tim chuột, sử dụng các tế bào gốc của người, trong phòng thí nghiệm


Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Communications, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể khiến một trái tim chuột đập trở lại sau khi tước bỏ các tế bào của nó và thay thế chúng bằng các tế bào gốc của người.

Đột phá có thể dẫn tới việc phát triển các bộ phận nuôi cấy cho bệnh nhân nhờ những tế bào gốc sản sinh từ quá trình sinh thiết da đơn giản. Những tế bào đặc biệt này - các tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS) - là những tế bào gốc trưởng thành nhưng hoạt động như dạng phôi thai, có khả năng trở thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể người.

Về nguyên tắc, các tế bào iPS có thể được dùng để chữa trị hàng loạt rối loạn, từ tiểu đường tới bệnh Parkinson. Thay vì kiểm soát những triệu chứng bệnh, các tế bào iPS được sử dụng để phục hồi những bộ phận bị tổn thương của cơ thể.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đến từ Đại học Pittsburgh (Mỹ) trước tiên đã loại bỏ mọi tế bào của một trái tim chuột, một quá trình kéo dài tới 10 giờ đồng hồ và sử dụng nhiều tác nhân. Sau đó, họ bổ sung vào bộ khung tim còn lại các tế bào tiền thân tim mạch đa đăng (MCP), vốn hình thành từ việc điều khiển các tế bào iPS trích lấy trong một sinh thiết da nhỏ ở người, và xử lý chúng bằng các yếu tố sinh trưởng đặc biệt nhằm kích thích chúng phân hóa thành 3 loại tế bào tồn tại trong tim.

Tiến sĩ Lei Yang, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Trước đây chưa có ai từng sử dụng các tế bào MCP để tái tạo tim sinh vật. Dường như, các vật liệu ngoại bào đóng vai trò như chất nền của khung tim, đã có thể gửi những tín hiệu hướng dẫn các tế bào MCP trở thành những tế bào chuyên biệt cần thiết cho chức năng tim bình thường".

Sau vài tuần, trái tim chuột không chỉ được tái tạo bằng các tế bào của người mà còn bắt đầu co bóp trở lại, với tốc độ 40 - 50 nhịp/phút.

Nhóm nghiên cứu tiết lộ, vẫn còn nhiều việc phải làm nữa nhằm khiến trái tim co bóp đủ mạnh để có khả năng bơm máu hiệu quả cũng như tái xây dựng hệ thống dẫn điện của trái tim một cách chuẩn xác để nhịp tim có thể tăng hoặc giảm thích hợp.

Tuy nhiên, thành tựu của nghiên cứu mới khiến nhiều người hy vọng, một ngày nào đó chúng ta có thể tạo ra các bộ phận cơ thể người trong phòng thí nghiệm.


Tăng số lượng người bệnh được điều trị viêm gan vi rút C

Tăng số lượng người bệnh được điều trị viêm gan vi rút C ("HCV") không phải chỉ là mục tiêu của ngành y tế mà còn là mong ước của hàng triệu người bệnh và gia đình họ. Tuy nhiên, chi phí cao trong điều trị, lại chưa được hỗ trợ từ bảo hiểm y tế cho nên người bệnh muốn điều trị HCV vẫn phải "dốc túi" điều trị hoặc chọn giải pháp tiêu cực là "sống chung" với căn bệnh nguy hiểm này.

Những thách thức lớn trong điều trị HCV

Trong khi một số bệnh nguy hiểm khác phải dùng đến thuốc đặc trị đã được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) thì riêng người bệnh HCV vẫn phải "chờ" hoặc phải "tự bơi" trong việc trang trải khoản chi phí lớn cho quá trình điều trị bệnh. Trong khi đó, sớm đẩy lùi được HCV nói riêng và viêm gan vi rút nói chung được xác định là một mục tiêu lớn của ngành y tế bởi HCV không chỉ gây gánh nặng với bệnh nhân mà cả hệ thống y tế nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chi phí "tăng thêm" từ việc điều trị biến chứng nặng của HCV như xơ gan, ung thư gan hay những "tổn thất" về sức khỏe, sức lao động sẽ thực sự lớn nếu việc ngăn chặn HCV lây nhiễm ra cộng đồng không hiệu quả.

Thế nhưng, thực tế điều trị thì vẫn còn hạn chế. Những tiến bộ trong điều trị HCV trên thế giới (thuốc, kỹ thuật, phương tiện) đều đã được các bác sĩ của ta cập nhật nhưng việc phát hiện và điều trị và theo dõi đúng quy trình thì mới chỉ được thực hiện tại một số ít cơ sở chuyên khoa. Thêm vào đó, chi phí cao (thông thường từ 60 đến 200 triệu đồng tùy theo mức độ bệnh) cùng với thời gian điều trị kéo dài từ 6 đến 18 tháng khiến người bệnh mau nản, điều trị ngắt quãng hoặc bỏ cuộc, nhất là với những bệnh nhân có thu nhập thấp, điều kiện kinh tế khó khăn.

Theo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về Gan mật, cơ sở chuyên khoa đã ít, chi phí điều trị cao cộng với số người bệnh mắc HCV đang tăng lên càng khiến cho việc điều trị HCV đối mặt với những thách thức lớn. Thông tin mới đây tại ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28-7 vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có hơn 5% dân số nước ta (khoảng 4,5 triệu người) đang mang vi rút viêm gan C trong cơ thể và con số này vẫn tiếp tục gia tăng. Hiện có hơn 10.000 người chết mỗi năm do các bệnh về gan.

Muốn có cơ hội dieu tri viem gan virut C cần có bảo hiểm y tế

Khảo sát tại BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận từ 700 đến 800 lượt người bệnh đến khám gan, trong đó hơn 10% trường hợp nhiễm HCV nhưng mới chỉ hơn 5% số người bệnh theo đuổi được đúng phác đồ điều trị (48-72 tuần). Từ thực tế đó, có thể thấy nếu để người bệnh HCV "tự bơi" thì sẽ rất khó khăn nếu họ không được "trợ sức". Do vậy, nhiều người bệnh và cả những bác sĩ điều trị đều đánh giá và coi BHYT như là "chiếc phao" cho họ. BHYT hỗ trợ và chi trả cho thuốc điều trị HCV sẽ mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh được tiếp cận điều trị và giảm gánh nặng về kinh tế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 11-7-2011 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2011/TT-BYT cho biết, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 25 loại thuốc đặc trị, trong đó có thuốc điều trị viêm gan C với hai hoạt chất Interferon và Peginterferon nhưng mãi đến ngày 10-2-2012 Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh mới có công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh "đồng ý thanh toán chi phí điều trị viêm gan C" theo phác đồ do ngành y tế đề xuất. Tuy nhiên, ngay sau đó không lâu, đơn vị này lại có công văn yêu cầu "ngưng" và bệnh nhân lại tiếp tục phải chờ đợi. Theo ý kiến của PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh tại hội thảo hướng dẫn, tư vấn chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút C vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 29-7 đã khẳng định HCV gây gánh nặng bệnh tật lớn nhưng còn nhiều hạn chế trong nhận thức, sàng lọc và điều trị bệnh. TS Khuê đề xuất, để đẩy lùi HCV, cần có kế hoạch hành động mang tính tổng thể, tập trung vào các giải pháp cụ thể khác nhau và cần nhanh chóng củng cố, hoàn thiện các văn bản luật pháp, bảo đảm tính sẵn có và tăng cường khả năng tiếp cận với các thuốc đặc trị HCV cho người bệnh.

Trong tình hình hiện nay, hy vọng rằng Bộ Y tế thống nhất một phác đồ chung hướng dẫn cho cả nước để kịp thời hỗ trợ cho người bệnh và góp phần ngăn chặn sự gia tăng của bệnh gan nói chung và HCV nói riêng.