September 19, 2013

19 năm sống chung với ung thư

Ông là Krzysztof Kolberger, một trong những diễn viên xuất chúng nhất của điện ảnh và sân khấu Ba Lan hiện đại. Suốt gần hai mươi năm qua, ông chiến đấu với căn bệnh ung thư hiểm nghèo để sống và diễn.

Căn bệnh mà ông mắc phải là ung thư thận, sau di căn sang ung thư gan. Ông đã qua nhiều cuộc phẫu thuật và các bác sĩ coi chuyện ông sống được đến ngày nay là điều thần kỳ. Đồng nghiệp thân thiết của ông, diễn viên nổi tiếng Jan Englert, nói rằng sau ca phẫu thuật đầu tiên diễn ra cách đây 18 năm, ông Krzysztof Kolberger “ốm đau một cách thầm lặng”, vì ông chiến đấu với bệnh tật một cách bí mật, chỉ có rất ít người biết và trong nghề nghiệp, không bao giờ vì bệnh tật mà ông cho phép mình diễn dưới khả năng. Người ta luôn gặp ông với nụ cười tươi tắn thường trực trên môi ngay cả khi bệnh tình nguy kịch.

Ông sinh ngày 13 tháng 8 năm 1950 tại Gdańsk, tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Varsava và tham gia đóng phim lần đầu tiên vào năm 1974. Năm 1999, tuy đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, ông vẫn được đạo diễn Ba Lan nổi tiếng, Andrzej Wajda, mời tham gia đóng vai Adam Mickiewicz trong bộ phim sử thi Pan Tadeusz. Ông là một trong số những nhân vật chính cuốn sách của Marzenna Graff-Oszczepalinska, viết theo thể loại nhật ký, kể về cuộc gặp gỡ của mình với cái thiện đích thực luôn ẩn chứa trong mỗi con người.


Ông Krzysztof Kolberger đã miêu tả tỉ mỉ cuộc sống của mình trong lúc vật lộn với bệnh tật


Krzysztof Kolberger suốt thời gian dài là người chiến thắng bệnh tật để không chỉ tồn tại gần 20 năm mà còn lao động nghề nghiệp với đúng nghĩa của cụm từ này. Có được điều kỳ diệu đó chính vì ông là con người của một ý chí sắt đá và một quan niệm sống lạc quan, yêu đời. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông lý luận: “Ai đó đã từng nói rằng một khi chúng ta còn thở tức là chúng ta đang sống. Mà một khi chúng ta đang sống thì chúng ta phải biết tận hưởng niềm vui cuộc sống“.

Và nhờ quan niệm đó, ông luôn cố gắng sống một cuộc sống bình thường, sống thật nhẹ nhàng. Ông nói: “Tôi không bao giờ coi tôi là một người bệnh”. 19 năm trước, ông biết mình bị ung thư thận, sau di căn sang gan. Ông đã trải qua nhiều lần phẫu thuật. Các bác sĩ điều trị thường trách ông hay nói sai sự thật về bệnh tình của mình theo hướng nói tốt hơn so với thực tế. Ông lý luận: “Ung thư là căn bệnh mà người ta vẫn có thể chung sống. Một khi nó không nể nang gì mình thì mình phải chiến đấu không khoan nhượng với nó”. Cũng trong cuộc phỏng vấn mà ông đã nói câu nói nổi tiếng trên đây, ông cũng đã khẳng định rằng ông đã quen gọi căn bệnh ung thư là “anh bạn”. – Toàn bộ cuộc chiến nằm ở chỗ làm sao để anh bạn kia đừng bành trướng, đừng mở mang bờ cõi của mình – ông nói đùa.

Với bệnh tật ông tếu táo thế, nhưng với nghề nghiệp ông lại vô cùng nghiêm túc. Công việc chính là thứ giúp ông quên đi căn bệnh hiểm nghèo ông đang mang trong người. Có lẽ vì thế ông không ngừng hoạt động chuyên môn một cách tích cực, chủ động. Ông đóng phim, diễn kịch, đảm nhiệm các vai diễn trong phim dài tập. Ông nói: “Tôi được giáo dục theo hướng luôn ý thức trách nhiệm cao trước bản thân, gia đình và những việc mình làm. Điều đó cũng là động lực sống của tôi. Làm sao có thể sống thiếu trách nhiệm với người khác, sống như thế thì sống làm gì? – ông đưa ra câu hỏi này trong một lần trả lời phỏng vấn. Và như ông nói, khi làm việc, ông thấy trong người khỏe khoắn hơn nhiều.

“Khi tôi biểu diễn trong nhà hát, khi tôi đọc thơ, làm gì đó để ghi âm, ghi hình hay có cuộc gặp gỡ với khán giả, tôi rất tập trung cho công việc. Điều này có tác dụng trị bệnh: tôi quên đi bệnh tật” – ông lý giải trong bài trả lời phỏng vấn nguyệt san Viva. Các bạn đồng nghiệp của ông cũng đã khẳng định điều này. Đối với ông, một thái độ sống như vậy là hiển nhiên, bởi vì nó là kết quả của một quan niệm đúng đắn về thế giới, về cuộc đời. Thái độ này ông đã bày tỏ trong lần trả lời nhật báo Cộng hòa khi ông công khai trước tất cả mọi người về bệnh tình của mình với mong muốn những người cùng cảnh ngộ có một bằng chứng sống về cuộc chiến giành sự sống.

Những năm gần đây ông hay được báo chí phỏng vấn với tư cách con người điển hình trong cuộc chiến chống lại bệnh tật để sống và lao động nghề nghiệp bình thường. Những câu chuyện ông kể, những lời tâm sự của ông thật cảm động. Sau đây là trích đoạn một số cuộc trả lời phỏng vấn đó của ông.

“Tôi muốn nêu một tấm gương để mọi người soi chung về chuyện với bệnh ung thư ta có thể tuyên chiến”.

Khi bị bệnh, tôi được biết có những người tiếp nhận thông tin mình bị ung thư như nghe tuyên án tử hình, sau đó tinh thần hoảng loạn, chẳng muốn chữa chạy gì, không muốn đối mặt với nó, chống lại nó, đôi khi thậm chí còn không muốn đi khám để khỏi phải nghe những thông tin xấu. Điều tối quan trọng là phải xác định thái độ với bệnh tật. Vì thế tôi công khai kể lại với mọi người việc tôi xoay xở với bệnh tật ra sao. Tôi muốn nêu một tấm gương để mọi người soi chung về chuyện với bệnh ung thư, ta có thể tuyên chiến và ra khỏi cuộc chiến với tư cách người chiến thắng. Tôi cũng muốn nói rằng các cuộc khám nghiệm nhằm mục đích phòng ngừa là rất quan trọng. Cần phải làm cho mọi người ý thức rõ rằng việc khám nghiệm sớm không chỉ tránh được bệnh tật mà còn tránh được cái thời điểm khi mọi chuyện đã trở nên quá muộn cả về việc chữa trị lẫn sự can thiệp của thầy thuốc.

“Tôi đã uống cồn và thường xuyên uống nó với nước lã”

Đã có lúc tôi nghĩ là bệnh tật đã bị đẩy lui. Cuộc phẫu thuật thành công, tôi thấy mình khỏi bệnh hoàn toàn. Nhưng một số tế bào ung thư, loại được liệt vào nhóm “gan lì”, vẫn sống sót và mãi sau mươi mười lăm năm mới tấn công trở lại ở những chỗ khác. Tôi đã lần lượt trải qua hai cuộc phẫu thuật, nhưng bệnh ung thư vẫn còn đó trong người tôi, mặc dù sự phát triển của nó đã bị ngăn chặn – đây là những lời ông kể năm 2007 với chiếc đồng hồ và một nắm xi-lanh tiêm và rất nhiều loại thuốc trong tay. – Tôi áp dụng chế độ dinh dưỡng rất phức tạp nên suốt ngày phải tính toán xem cái gì được ăn và ăn bao nhiêu là đủ. - Ông Krzysztof Kolberger đã miêu tả tỉ mỉ cuộc sống của mình trong lúc vật lộn với bệnh tật. Nhưng trước đó cũng đã có những thời kỳ ông ít quan tâm đến sức khỏe của mình. – Chẳng hạn như có giai đoạn tôi có cảm giác rằng cồn là thức uống tốt nhất cho sức khỏe, cho nên tôi đã uống cồn và uống với nước lã – ông nhớ lại.

“Tôi giả vờ là tôi chẳng làm sao”


19 năm trước, khi tôi biết mình bị bệnh thì cũng là lúc chị gái tôi đang hấp hối. Tôi phải giữ kín chuyện mình bị bệnh. Tôi phải làm như chẳng có chuyện gì xảy ra. Không một ai trong gia đình biết là sau đó tôi đi mổ. Tôi cho rằng mọi người đã có bao nhiêu thứ chuyện phải lo, cho nên chẳng hay ho gì việc mình đầu độc họ thêm bằng những nỗi lo của riêng mình. Nếu tôi nói công khai về bệnh tình của tôi thì cũng chẳng qua là vì tôi cố gắng để những gì tôi nói ra có một ý nghĩa nào đó, mang lại cho ai đó điều gì có lợi – nam diễn viên này đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với ông Piotr Najsztub ở nguyệt san Viva.

“Tôi thần tượng Giáo hoàng, không phụ thuộc vào việc tôi theo đạo hay không”

Trả lời câu hỏi liên quan đến quan niệm của mình về cái chết, Krzysztof Kolberger cho biết: “Có thể không hoàn toàn là tôi cười cợt nó, bởi vì đây không phải là đề tài để nói đùa, nhưng tôi nghĩ về cái chết một cách thanh thản”. Ông cũng có quan niệm riêng rất sâu sắc về tôn giáo. – Tôi là người thần tượng Giáo hoàng Giăng Pôn II, không phụ thuộc vào chuyện tôi có theo đạo hay không. Nhưng có mấy sự kiện xảy ra trong đời đã khiến tôi nghiêng về đức tin rằng cuộc đời của chúng ta không kết thúc trên mặt đất này. Đơn giản là có những thứ nhất định tôi đang trải qua, giống như thực vật lấy từ không khí, từ nước cái gì đó không gọi tên được – ông đã nói như vậy khi trả lời nguyệt san Viva.

Nói về việc mình đóng phim, trình diễn thơ, ông quan niệm: “Thơ nâng tôi lên tầm cao tốt đẹp hơn của cuộc đời. Tương tự như vậy, nhà hát, phim ảnh, sách báo và các cuộc tham quan bảo tàng cũng biến chúng ta thành những người tốt hơn, giúp chúng ta quên đi những khó khăn đời thường, giúp chúng ta dừng lại chốc lát trong dòng chảy những bận rộn thời hiện đại – đây cũng là những lời ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn nguyệt san Viva.


Xếp hàng chờ kiểm tra ung thư

Giá một lần kiểm tra gần 30 triệu đồng, nhưng khách hàng muốn kiểm tra vẫn phải đặt lịch, xếp hàng. Thực tế, số người Việt bị ung thư được phát hiện ngày càng gia tăng.

Tại miền Bắc hiện đã có 3 bệnh viện trang bị máy PET-CT, thiết bị kiểm tra phát hiện ung thư sớm hiện đại nhất trên thế giới.

Đắt vẫn phải đăng ký xếp lịch
Đến 12h30 trưa nhưng BS Nguyễn Xuân Thanh của Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) cùng kíp trực vẫn chưa được nghỉ ăn trưa. Từng bệnh nhân đăng ký kiểm tra ung thư bằng máy PET-CT được các bác sĩ đưa vào phòng máy, hướng dẫn cách nằm và nhịp thở khi máy vận hành.

Ở cách phòng máy một lớp kính, các bác sĩ tập trung cao độ vào màn hình vi tính, quan sát từng bộ phận mà máy quét qua, ghi chép cẩn thận từng thông số. Máy PET-CT đang kiểm tra cho bệnh nhân Trương Mạnh Dũng (57 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị ung thư di căn lên não. Hình ảnh từng khối u, hạch... hiện rõ trên màn hình, nhờ đó bác sĩ xác định được vị trí ung thư và đưa ra hướng điều trị cho bệnh nhân.

"Ước tính, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 150.000 trường hợp mới mắc ung thư và khoảng 75.000 trường hợp tử vong. Thống kê tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bệnh ung thư phổi, ung thư gan, dạ dày là phổ biến nhất với nam giới còn nữ giới chủ yếu là ung thư vú, cổ tử cung.

Tại Trung tâm Ung bướu, trước đây chỉ có khoảng 35-40 bệnh nhân đến khám ung thư mỗi ngày nhưng hiện con số này đã tăng lên trên 100 bệnh nhân".

BS Nguyễn Xuân Thanh cho biết, hiện nhu cầu chẩn đoán ung thư bằng kỹ thuật PET-CT rất lớn, người bệnh phải đăng ký trước 4-5 ngày. Mỗi ngày, Trung tâm Ung bướu chỉ phục vụ cho 9-10 bệnh nhân. Trước khi chẩn đoán một tiếng, bệnh nhân được tiêm thuốc FDG để một loại chất phóng xạ tập trung ở các khối u, từ đó, máy sẽ kiểm tra và phát hiện ra ung thư.

Chi phí bệnh nhân phải trả cho một lần kiểm tra bằng máy PET-CT không hề rẻ, tại BV Bạch Mai là 28,2 triệu đồng/lần còn tại BV Việt Đức là từ 26 - 28 triệu đồng/lần. "Dịch vụ này có được bảo hiểm y tế thanh toán theo thỏa thuận riêng giữa bệnh viện với cơ quan bảo hiểm và tùy theo loại thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân. Nhưng với những người tự nguyện đăng ký kiểm tra mà không có chỉ định của bác sỹ, sẽ không được chi trả bảo hiểm.

Với các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, chỉ sau khi kiểm tra ban đầu bằng những kỹ thuật thông thường như: Xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm ổ bụng, X-quang tim phổi, điện tim... nếu có bất thường thì bác sĩ chỉ định làm các kỹ thuật khác như chụp CT, MRI... Khi các phương pháp này không phát hiện được bệnh, thì bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng PET - CT" - BS Thanh cho biết thêm.

Theo PGS.TS Mai Trọng Khoa - Giám đốc BV Bạch Mai, PET-CT là loại máy rất ưu việt, có khả năng phát hiện tế bào ung thư ở những giai đoạn rất sớm, giúp hạn chế các phẫu thuật không cần thiết, do đó mang lại hiệu quả điều trị và kinh tế. "PET-CT phát hiện di căn hạch chính xác tới 88%, trong khi đó chụp cắt lớp CT chỉ đạt 69%. 90 - 96% bệnh nhân có được các quyết định phương pháp điều trị đúng, 45 - 60% bệnh nhân đã được thay đổi phương pháp điều trị sau khi chụp hình PET-CT.

Không chỉ có vậy, PET-CT còn có thể phát hiện các tổn thương trong não, chuyển hóa các tế bào thần kinh, tim mạch, đánh giá sự sống còn của cơ tim ở những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành... Chẩn đoán hình ảnh PET-CT là phương pháp hiện đại nhất hiện nay có thể phát hiện ung thư sớm. Do đó, nhiều người đã tự nguyện đăng ký kiểm tra bằng PET- CT dù chi phí đắt đỏ" - bác sĩ Khoa nói.

Người nghèo khó tiếp cận

Không được phát hiện sớm nên bệnh ung thư phổi của ông Nguyễn Phi Ứng (58 tuổi, quê xã Trung Hà, Ba Vì, Hà Nội) đã di căn lên não. Suốt 2 tháng điều trị tại Trung tâm này, gia đình ông khá tốn kém khi chi phí cho mỗi ngày nằm viện là 200.000 đồng, chưa kể tiền ăn uống, thuốc thang.

Trước khi nhập viện, ông liên tục bị những cơn đau đầu hành hạ trong nhiều ngày. Sau khi khám tại BV Quân đội 105 Sơn Tây, bác sĩ phát hiện ông Ứng bị ung thư phổi, nhưng do không có bảo hiểm y tế nên ông cũng không dám đăng ký khám PET - CT. Anh Nguyễn Phi Hùng, con trai ông Ứng tâm sự: "Bác sĩ bảo bệnh của bố tôi không thể chữa khỏi được vì phát hiện quá muộn nên u đã di căn lên não. Ở quê kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, ăn cũng chẳng đủ thì lấy đâu mấy chục triệu để kiểm tra ung thư sớm, giá dịch vụ này chỉ vài triệu thì chúng tôi còn cố được...".

Theo PGS.TS Trần Đình Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, ung thư là căn bệnh rất nguy hiểm với tỉ lệ gây tử vong rất cao và đang có xu hướng gia tăng đột biến ở nước ta. Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân đều được phát hiện khi đã bước vào giai đoạn muộn nên hiệu quả điều trị không cao.

Do các kỹ thuật chẩn đoán thông thường (CT, MRI, X-quang, siêu âm...) không thể phát hiện sớm các tế bào ung thư nên PET - CT là loại máy tối ưu hiện đại giải quyết vấn đề này. Nói về giá cả, ông Hà cho biết giá máy PET - CT lên đến cả trăm tỷ, và phát hiện được tất cả những khối u, hạch có trên cơ thể. Hơn nữa, máy phải sử dụng chất phóng xạ trong chẩn đoán nên chi phí rất đắt đỏ. "Nếu ra nước ngoài khám ung thư bằng máy này, giá còn đắt hơn rất nhiều, lên đến 80 triệu đồng/lần, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở" - PGS.TS Trần Đình Hà nói. Nhưng 26-28 triệu/lần tầm soát ung thư vẫn là một số tiền quá lớn với đa số bệnh nhân.


Nụ cười cho bệnh nhân ung thư

9h ngày 20/9/2013, chuyên gia đầu ngành về ung thư trao đổi trực tuyến với bạn đọc VietNamNet về các liệu pháp điều trị mới hiệu quả, giải pháp chăm sóc tâm lý để cải thiện chất lượng sống của người bệnh trong thời gian chiến đấu với ung thư.

Việt Nam hiện là 1 trong những nước đông bệnh nhân ung thư nhất thế giới, với khoảng 240.000 - 250.000 người; chủ yếu là ung thư phổi, dạ dày, đại tràng, ung thư gan, ung thư vú và cổ tử cung. Hàng năm có hơn 150.000 ca mắc mới, 75.000 trường hợp tử vong (trong đó ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất). Nguyên nhân gây tử vong cao là do người bệnh phát hiện và điều trị muộn.

Trong những năm qua, nhiều cơ sở khám chữa bệnh ung thư đã được mở ra, mạng lưới phòng chống bệnh ung thư tăng nhanh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Tại các cơ sở này, đa số bệnh nhân được điều trị theo 3 phương pháp truyền thống là phẫu trị, xạ trị, hóa trị và các phương pháp phối hợp.

Đặc biệt, các phương pháp điều trị ít xâm lấn như liệu pháp xâm nhập cục bộ hay điều trị sinh học, với sự góp mặt của nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại tại BV Ung bướu hiện đại Quảng Châu (cơ sở ở Hà Nội và TP.HCM) đã đem lại hiệu quả điều trị cao. Cùng với đó, liệu pháp chăm sóc về mặt tinh thần cũng đã cải thiện rõ rệt chất lượng sống cho nhiều người bệnh.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại quan niệm: Bệnh ung thư chữa có khỏi đâu, đằng nào cũng chết, chạy chữa mà làm gì? Trong khi nhiều người bị ung thư vẫn có thể sống thêm 10, 20 năm, cần được điều trị trúng đích, được chăm sóc chu đáo để đủ́ sức khỏe và thêm nghị lực sống chung với căn bệnh hiểm.

Để cùng bạn đọc giải đáp băn khoăn liên quan căn bệnh ung thư, có cái nhìn đúng, quyết định trúng về chăm sóc, điều trị ung thư, Báo VietNamNet tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: Nụ cười cho bệnh nhân ung thư

Thời gian: 9h thứ Sáu, ngày 20/9/2013
Địa điểm: Báo VietNamNet tại TP.HCM, 51 Trương Định, P.6, Q.3

Khách mời:
- BSCK1 Lê Quang Lạc - Giám đốc tư vấn Văn phòng BV Ung bướu hiện đại Quảng Châu tại TP.HCM
- TS.BS Bùi Nguyên Kiểm - Giám đốc tư vấn Văn phòng BV Ung bướu hiện đại Quảng Châu tại TP.Hà Nội
- Chuyên gia tâm lý, ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM, Nguyên Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Tâm thần TP.HCM


September 18, 2013

Chi 14 tỷ đồng cho phòng và điều trị viêm gan B tại Việt Nam

Trong 3 năm (2013-2015), sẽ có 5 tỉnh thành nhận tài trợ 650.000 USD (gần 14 tỷ đồng) để triển khai các biện pháp đối phó với “đại dịch thầm lặng” viêm gan vi rút (HCV).

Vào ngày 9/8/2013 Merck Sharp & Dohme (Asia) Ltd,. (“MSD”) và Tổ chức Dịch vụ Dân số Quốc tế (“PSI”) đã thực hiện lễ trao tài trợ cho dự án “Tăng cường những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan vi rút C tại Việt Nam”. Theo đó, MSD sẽ tài trợ 650.000 USD (gần 14 tỷ đồng) cho PSI để thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ của dự án tại 5 tỉnh thành trong vòng 3 năm từ 2013 - 2015.

Những con số báo động

Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (“WHO”), có khoảng 3% dân số thế giới (180 triệu người) nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính. Mỗi năm trung bình có thêm từ 3-4 triệu người bị nhiễm bệnh. Ở Đông Nam Á, WHO ước tính có khoảng 32,3 triệu người sống chung với HCV và kể từ năm 2008, ước tính khoảng 5 triệu trong số 33,4 triệu người sống chung với HIV trên thế giới cư trú trong khu vực này.

Đặc biệt, tình trạng đồng nhiễm HIV- HCV đang gây rất nhiều khó khăn trong việc điều trị, không những làm gia tăng chi phí điều trị mà còn làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Hiện nay, ở châu Á có rất ít nghiên cứu dịch tễ học về tỷ lệ đồng nhiễm này.

Theo thống kê, ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có khoảng 2-9 triệu người tiêm chích ma túy (“TCMT”), với khoảng 750.000 người TCMT đang sống chung với HIV/AIDS. Trong đó, đáng báo động là tỷ lệ đồng nhiễm HCV trong số những người TCMT sống chung với HIV/AIDS là 60%-90%. Tại Việt Nam, ước tính từ 26,3% đến 98,5% số người TCMT đang sống với HCV.

Viêm gan vi rút C là nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm gan, xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Tuy nhiên, do người nhiễm HCV không thấy được nguy cơ cũng như thiếu thông tin về đường lây nên chủ quan và chỉ tìm đến sự can thiệp của y học khi ở giai đoạn đã chuyển sang mãn tính hoặc xơ gan. Và điều đáng nói là bệnh viêm gan tại Việt Nam hiện nay có xu hướng ngày càng trẻ hóa…

Biện pháp ngăn ngừa HCV tại Việt Nam

Bà Josselyn Neukom đại diện PSI cho biết: “Tỷ lệ nhiễm HCV tại Việt Nam khá cao so với các nước khác trong khu vực. Vì thế, các hoạt động của dự án ưu tiên cho những người có nguy cơ mắc bệnh nhằm giúp họ thực hiện được thói quen ngăn ngừa bệnh thông qua việc phát triển hướng tiếp cận thông tin và các dịch vụ phòng ngừa HCV”.

Các hoạt động chính trong dự án bao gồm thực hiện phương pháp tiếp cận, tuyên truyền những thông tin, các sản phẩm và khuyến khích thay đổi thói quen để ngăn chặn bệnh viêm gan C trong nhóm dân số có nguy cơ cao và chưa được chăm sóc đầy đủ. Chương trình sẽ cung cấp các dụng cụ tiêm chích vô trùng cho những nhóm người có nguy cơ cao nhất và tuyên truyền giảm thiểu thói quen sử dụng chung các dụng cụ tiêm chích chung dễ lây lan bệnh.

Ông Jan Van Acker, Trưởng Văn phòng Đại diện MSD tại Việt Nam chia sẻ: “Vi rút viêm gan C gây ra áp lực đáng kể đối với bệnh nhân nói riêng cũng như toàn hệ thống y tế của Việt Nam nói chung. Phối hợp cùng với PSI thực hiện dự án này chúng tôi hy vọng đóng góp vào việc ngăn ngừa vi rút viêm gan C tại Việt Nam, mang đến những phương pháp phòng ngừa hiệu quả, đồng thời giúp làm giảm gánh nặng điều trị cho bệnh nhân viêm gan vi rút C”.


September 17, 2013

Nước cam có thể chống ung thư

Các nhà khoa học mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu tác dụng chống ung thư của nước cam. Nó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em, chống lại ung thư vú và ung thư ruột kết ở người trưởng thành.

Nước cam có nhiều tác dụng tích cực đến ung thư. Nó chứa các chất thuộc nhóm flavonoid như hesperitin và naringinin. Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng nước cam làm giảm bệnh bạch cầu ở trẻ em, cũng như chống lại bệnh ung thư vú, ung thư gan và ruột kết.

Nước cam có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em, chống lại ung thư vú, gan và ung thư ruột kết

Tác dụng sinh học của nước cam trong nghiên cứu ở phòng thí nghiệm chủ yếu bị ảnh hưởng bởi thành phần, trong khi thành phần lại phụ thuộc vào điều kiện như khí hậu, đất, phương pháp thu hoạch, lưu trữ trái cây…

Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều thì nước cam sẽ thể hiện độc tính, đặc biệt với trẻ em. Nó có thể làm tăng huyết áp, gây tổn thương thận và bệnh tiểu đường, làm tăng nồng độ kali trong máu và có thể gây ra dị ứng thực phẩm và làm bùng phát vi khuẩn nếu nước cam chưa được tiệt trùng.

“Sử dụng quá nhiều một loại thực phẩm, ngay cả khi nó là thực phẩm an toàn cũng có thể gây mất cân bằng trạng thái oxy hóa”, các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Hiện các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn mối liên kết sinh học giữa nước cam và khả năng chống ung thư. Họ đang tìm hiểu chi tiết về loại giống cây trồng cũng liều lượng nước cam phù hợp cho người sử dụng.

Nhiều nghiên cứu khác đã chứng tỏ hiệu quả phòng chống ung thư của nước cam, nó chứa các chất chống oxy hóa như antimutagenic, antingenotoxic, cytoprotective và nội tiết tố. Nước cam cũng có tác dụng kháng khuẩn, kháng virut và điều chỉnh sự hấp thụ xenobiotics – là những chất lạ không cần thiết cho cơ thể.

Xem thêm: chua benh ung thu