August 14, 2013

Cầu cứu vì bệnh xơ gan hoành hành ở ven sông Tiền

Từ năm 2010 đến nay, tại một ấp có rất nhiều hộ gia đình có người mắc bệnh xơ gan. Điều đó đã gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ cho những người dân khác khi đang sống ở địa phương này. Nhiều người nghi ngờ bị mắc bệnh xơ gan nhưng không dám đến cơ sở y tế để khám và chữa trị.

Đang khỏe bỗng dưng... mắc bệnh

Vượt qua phà Tân Long trên dòng sông Tiền đỏ nặng phù sa, chúng tôi đến được ấp Tân Thạnh (xã Tân Long, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), nơi có hàng trăm người dân mắc chung một chứng bệnh xơ gan. Dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến nhà bà B.T.C. (66 tuổi) đầu tiên, người biết mình mắc bệnh gan cách đây hơn hai năm. Cũng như nhiều hộ khác, gia đình bà C. quanh năm gắn bó với miệt vườn sông nước. Năm 2010, bà thấy có triệu chứng khó thở, tức ngực, phình bụng, mệt mỏi bèn đến bệnh viện thăm khám. Sau nhiều ngày trải qua các bệnh viện tuyến dưới lẫn tuyến trên, bà được các bác sĩ kết luận mắc bệnh xơ gan giai đoạn cuối.

Nhìn khuôn mặt gầy gò, xanh xao của bà C., chúng tôi biết rằng, bà đang vì phải chống chọi với bệnh tật. Cầm vội tà áo bà ba cũ mèm, bà gạt nước mắt nghẹn ngào chia sẻ: "Ban đầu, khi chưa biết mình mắc bệnh xơ gan, tôi cũng chỉ nghĩ mình tuổi cao, sức yếu, ăn uống thiếu thốn nên sinh bệnh. Mỗi lần lên cơn đau bụng, tức ngực khó thở, ăn uống không được, tôi đều cắn răng chịu đựng. Được các con đưa đi viện thì chỉ nằm lại vài ngày thì về vì không đủ tiền chi trả viện phí. Thương chồng, con, bà C. bèn đi bốc thuốc Nam miễn phí của những lương y từ thiện về uống cầm cự bệnh tật".

Cùng mắc chứng bệnh như bà C. là trường hợp của anh B.D.T. (19 tuổi) ngụ cùng ấp, sinh viên trường đại học Đồng Tháp. Trong một lần khám sức khỏe để hoàn thiện hồ sơ nhập học, T. phát hiện mình bị xơ gan giai đoạn đầu. "Khi nhận được kết quả bị bệnh xơ gan, tôi rất bất ngờ. Trong nhiều ngày liền, tôi hoang mang lo lắng và không thể làm được việc gì. Bởi tôi nghĩ bản thân còn trẻ khỏe mà đã mắc căn bệnh giống các bác, các cô ở làng thì sẽ nhanh chóng ra đi thôi. Trong những lúc buồn phiền này, cha mẹ tôi luôn ở bên cạnh động viên quan tâm và đưa đi điều trị định kỳ hàng tháng tại bệnh viện nên sức khỏe đã ổn định hơn. Tuy nhiên, căn bệnh xơ gan vẫn không thể dứt hẳn", T. tâm sự.

Hậu quả của căn bệnh xơ gan đã cướp đi sinh mạng của người chồng khỏe mạnh của bà N.T.H. (72 tuổi). Không giấu nổi niềm thương tiếc đối với người chồng quá cố, bà H. ngậm ngùi: "Từ khi chồng tôi bị phát hiện căn bệnh đến khi mất chỉ diễn ra trong vòng nửa năm. Ban đầu, ông ấy thấy ngực khó thở, bụng sưng to, ăn uống không tiêu nên cũng nghĩ có thể bị bệnh liên quan đến phổi hay bệnh tiêu hóa. Do lo lắng quá nên các con đưa ông ấy lên bệnh viện Chợ Rẫy để xác định, bác sĩ thông báo ông bị bệnh xơ gan chỉ sống được khoảng một tháng nữa thôi. Do sức đề kháng tốt và chịu khó ăn uống nên ông sống thêm được sáu tháng nữa, rồi ra đi vĩnh viễn".

Bà H.T.N.X. (56 tuổi) cũng biết mình mắc chứng bệnh trên cho biết: "Hơn một năm gần đây, trong ấp Tân Thạnh có thêm rất nhiều người mắc căn bệnh xơ gan. Hầu hết những ai nghi nghờ mình có bệnh đi khám đều nhận được kết quả tương tự. Mới đây, người em gái kế của tôi là H.T.N.D., làm nghề buôn bán lúa gạo trên ghe, thấy mệt mỏi trong người nên đi khám bệnh. Nó tím tái mặt mày khi bác sĩ cho hay bị bệnh gan. Hiện tại, D. được bệnh viện đa khoa Đồng Tháp chuyển trực tiếp lên bệnh viện bệnh Nhiệt đới để điều trị do bệnh rất nặng. Tiếp đó, cả chồng của D. cũng mới phát hiện mắc bệnh chứng bệnh này".

Vẫn chưa kết luận nguyên nhân gây bệnh xơ gan

Trước thực trạng ấp Tân Thạnh có nhiều người mắc bệnh xơ gan, chúng tôi đã đến liên hệ với UBND xã Tân Long để hỏi về nguyên nhân gây ra căn bệnh xơ gan trong ấp. Ông Nguyễn Thành Công (Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long) bày tỏ: "Trước kia, ấp Tân Thạnh đã có một số người dân bị bệnh xơ gan rồi. Hiện nay, số người bị mắc bệnh xơ gan tăng đột biến, cán bộ xã đã xuống tận nơi để nắm bắt tình hình. Về nguyên nhân, các cơ quan liên quan vẫn đang vào cuộc nên chưa thể đưa ra kết luận. Sự việc của ấp Tân Thạnh đã được chuyển lên cấp trên để chờ hướng giải quyết".


Hiện nay, ở ấp Tân Thạnh, không chỉ người nằm trong độ tuổi trung niên mới có triệu chứng bệnh xơ gan mà ngay cả những người trẻ tuổi, vị thành niên cũng mắc căn bệnh nguy hiểm này. Bà X. cho biết thêm: "Tôi năm nay đã ngoài 50, gia đình vốn thuộc hộ nghèo của xã, mắc bệnh như vậy cũng đau buồn lắm, có chết sớm cũng an phận. Chỉ thương nhiều gia đình còn trẻ, con cái đang trong độ tuổi đến trường đã bị thần chết đe dọa như nhà anh N.V.H. hay T.T.K. thì thật là đau lòng… Cả ấp này đều đang rối loạn khi ngày càng có nhiều người bị bệnh xơ gan, chúng tôi không biết phải kêu lạy ai bây giờ".

Mỗi khi nói đến căn bệnh xơ gan đang từng ngày cướp đi tính mạng của người dân, nhiều gia đình tỏ ra hoang mang, lo lắng. Điều đáng nói hơn là nhiều người thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe không dám đến các cơ sở y tế để khám. Vì khi biết mắc bệnh, họ sẽ thấp thỏm lo lắng từng ngày, không thể chuyên tâm làm việc. Điển hình như trường hợp của chị H. (34 tuổi) nhận thấy mình có những triệu chứng mệt mỏi, bụng sưng phình nhưng vẫn không dám bước chân đến bệnh viện để khám vì sợ mắc bệnh xơ gan như mọi người trong ấp.

Chị H. bộc bạch: "Việc buôn bán của gia đình đang theo đà thuận lợi, con cái còn quá nhỏ chưa đủ để nhận thức tất cả mọi việc. Chưa kể, khi tôi đi khám biết mình bị bệnh gan, chồng con lại thêm phần lo âu. Bạn bè biết mình có bệnh sẽ tìm cách tránh xa, không giao dịch làm ăn nữa. Với những lý do đó, khi thấy trong người không được khỏe, tôi chỉ ra tiệm thuốc Tây mua về uống để cắt cơn đau...".

Khi đề cập về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh xơ gan đang lan tràn ở ấp Tân Thạnh, nhiều người dân nghi ngại: "Căn bệnh này có lẽ bắt nguồn từ việc dùng nước sông Tiền đoạn chảy qua ấp bị nhiễm chất thải từ một số công ty, xí nghiệp sản xuất sắt thép. Nhiều buổi chiều chúng tôi chạy ghe xuồng đi lấy nước thấy màu nước đen ngòm cả một góc sông lớn, mùi vị của chất thải từ sắt thép. Từ ngày người dân ở đây phát hiện số người bị bệnh xơ gan gia tăng từng ngày thì không còn ai xuống sông lấy nước về sử dụng nữa. Nhằm hạn chế căn bệnh xơ gan lan rộng trong nhân dân, chính quyền địa phương đã kéo một đường ống dẫn nước sạch đã qua xử lý đến từng hộ dân để thuận tiện cho việc sinh hoạt ăn uống".

Nguồn: Internet

No comments:

Post a Comment