November 8, 2012

Kiểm soát các tác nhân gây ung thư gan


Ung thư gan - Một căn bệnh ác tính thầm lặng nên cần phải kiểm soát thường xuyên

Theo thống kê của tổ chức về sức khỏe thế giới, hiện nay trên toàn cầu có khoảng 400 triệu người bị nhiễm siêu vi B, trong đó khoảng 75% nằm ở khu vực châu Á. Và đáng lo ngại hơn là người dân ở đây không có ý thức kiểm tra sức khỏe thường xuyên, nên khi được chẩn đoán ung thư gan thường đã quá trễ.
Ung thư gan - Căn bệnh ác tính thầm lặng
Bên cạnh một số hiện tượng như mệt mỏi, chán ăn, cảm giác tức sườn bên phải, nhưng không đáng kể, ung thư gan thường không có triệu chứng đặc biệt nào khác ở giai đoạn đầu. Do vậy, bệnh nhân thường nhầm lẫn với bệnh khác, hoặc phớt lờ nếu không chú ý. Những triệu chứng lâm sàng chỉ thể hiện rõ rệt ở giai đoạn cuối của khi bệnh đã trầm trọng như sụt cân, bụng chướng, buồn nôn, nóng sốt, đau nhiều ở hạ sườn phải…
Người có tiền sử bệnh viêm gan siêu vi B, C rất dễ mắc ung thư gan

Hiện tại, theo các nhà khoa học, hơn 70% bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan có tiền sử bệnh viêm gan siêu vi B, C. Bệnh chủ yếu lây lan qua đường máu, quan hệ tình dục, cũng như mẹ truyền sang con. Điều đáng quan ngại là tỉ lệ người nhiễm virus viêm gan B tại Việt Nam khá cao, và hiểu biết về bệnh còn thấp.
Mặt khác, xơ gan cũng là một yếu tố gây bệnh, bắt nguồn từ những thói quen khá bình thường của người Việt như uống nhiều rượu, ăn dầu mỡ... Khi bị xơ gan, các tế bào gan lành sẽ bị các mô cứng thay thế. Tuy nhiên, số bệnh nhân xơ gan biến chứng thành ung thư gan chỉ chiếm khoảng 5%.
Ngoài ra, chất độc Aflatoxin, một chất gây ung thư tương tác với virut viêm gan B cũng đã được chứng minh là có thể gây ung thư gan. Người ta có thể bị nhiễm chất độc này  do ăn phải ngũ cốc bị mốc có aflatoxin hoặc ăn thịt các động vật được nuôi bằng ngũ cốc nhiễm chất này. Và yếu tố di truyền trong gia đình có tiền sử người mắc bệnh ung thư gan cũng  có thể là nguyên nhân gây  bệnh.

Chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng
Ung thư gan giai đoạn cuối có thể coi là vô phương cứu chữa. Vì vậy, vai trò của phát hiện sớm rất quan trọng, theo đó bệnh nhân có thể được chữa trị để hạn chế tái phát bằng một số phương pháp chủ đạo như: Phẫu thuật, hóa trị làm nghẽn động mạch gan (TACE), đốt khối u bằng sóng radio cao tần.
Bên cạnh đó, chất Sorafenib với cơ chế “nhắm trúng đích” tác động trực tiếp vào các tế bào ung thư, ngăn cản sự phát triển của chúng, đồng thời cũng ngăn cản máu lưu thông tới nuôi dưỡng khối u. Sorafenib không chữa khỏi bệnh nhưng nó trì hoãn quá trình tiến triển của bệnh một cách đáng kể, giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân ở giai đoạn hai.
Do vậy, ngoài chú trọng việc ăn uống, chúng ta cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhằm phát hiện sớm các bệnh về gan, và đặc biệt là ung thư gan. Có như vậy thì những phương pháp điều trị mới có tác dụng kịp thời, và hiệu quả, tránh được việc di căn qua các bộ phận khác.
Ngoài ra, phòng bệnh là việc vô cùng quan trọng. Một số biện pháp có thể phòng bệnh ung thư gan như: tiêm ngừa vaccine phòng chống viêm gan B, C, hạn chế rượu bia, thức ăn với hàm lượng chất béo cao, cũng như không sử dụng các thực phẩm ngũ cốc bị nấm mốc, và điều chỉnh phong cách sống lành mạnh.

Xem thêm:

No comments:

Post a Comment