July 22, 2013

Phòng chống lây nhiễm viêm gan virut A

Trước tình hình phát hiện ổ dịch viêm gan virus A tại tỉnh Kon Tum, ngày 18/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo phòng bệnh để người dân thực hiện.

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đang dieu tri viem gan virus tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Theo đó, để phòng tránh dịch, người dân cần làm tốt việc vệ sinh cá nhân như: Rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi; đặc biệt trong thời điểm hiện nay không tập trung ăn uống đông người ở vùng có nguy cơ xảy ra dịch.

Đối với những người có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, cán bộ y tế cần tiến hành vệ sinh môi trường; xử lý chất thải, phân, chất nôn của người bệnh theo quy định; tăng cường tuyên truyền cho những người xung quanh về các biện pháp phòng bệnh; khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh viêm gan virus A bằng tiêm phòng vắcxin...nhằm phòng tránh dịch viêm gan virus A lây từ người bệnh sang người lành.

Bệnh viêm gan virus A (hay còn gọi là bệnh siêu vi A) là một bệnh nhiễm trùng ở gan do virus viêm gan A gây nên. Bệnh có thể gây ra các ổ dịch trong cộng đồng, chủ yếu lây lan theo đường tiêu hóa. Người bệnh khi nhiễm virus có thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, nước tiểu sậm màu, vàng da, vàng mắt, đau bụng vùng hạ sườn bên phải.

Bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng; song đa số các trường hợp là nhẹ, điều trị có thể khỏi hoàn toàn. Hiện đã có vắcxin phòng bệnh viêm gan virus A.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho biết: Từ cuối tháng 5/2013 đến nay, trên địa bàn xã Ia Chiêm và Đắk Năng thuộc tỉnh Kon Tum đã phát hiện 45 trường hợp bệnh nhân có triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, men gan tăng; tuổi mắc từ 7-50 tuổi (có 17 trường hợp dưới 15 tuổi). Ngành y tế tỉnh Kon Tum và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm xác định đây là ổ dịch viêm gan virus A (kết quả xét nghiệm có 20 mẫu dương tính).

Qua điều tra dịch tễ tại 2 địa phương nơi xảy ra dịch cho thấy vệ sinh môi trường không đảm bảo; phần lớn người dân sử dụng nước giếng đào và hố xí đào; người dân thường uống nước lã từ giếng và ăn uống chưa hợp vệ sinh.

Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Kon Tum chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động tiến hành khám, phát hiện và đưa bệnh nhân vào bệnh viện điều trị; tiến hành xử lý ổ dịch (như sử dụng Cloramin B và vôi bột để vệ sinh nước, nhà tiêu, phun hoá chất khử khuẩn môi trường); tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường để phòng bệnh

No comments:

Post a Comment